Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Luật hóa kịp thời để tạo cơ sở pháp lý

LTS: Ngày 20-4, Báo SGGP đăng bài trao đổi với với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an quanh dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc rất quan tâm, bày tỏ ý kiến về vấn đề này, nhất là người dân đang tham gia vào công tác an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở; mong muốn dự án luật sẽ làm rõ hơn vai trò, nhiệm vụ để người tham gia được đãi ngộ xứng đáng, làm đúng trách nhiệm, đúng vai trò trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Ông LÝ NHƠN THÀNH
Trưởng ban BVDP phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 (TPHCM): Chúng tôi đang mong chờ

Có lẽ đây là thời điểm thuận lợi nhất để ra đời Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Thực tế, thời gian qua, nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở TPHCM, chúng tôi đã thực hiện khá nhiều việc. Từ đảm bảo ANTT tại địa bàn được phân công đến tham gia sơ cấp cứu người bị nạn; tham gia chữa cháy; phát hiện, trấn áp kịp thời các vụ gây rối trật tự công cộng…
Ngoài sự hỗ trợ, động viên của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, anh em chúng tôi tự nguyện góp công sức, tiền bạc để mua sắm trang thiết bị PCCC, xe cấp cứu. Theo dự thảo luật Bộ Công an đang xây dựng, chỉnh sửa, lực lượng này sẽ được kiện toàn theo hướng thống nhất lực lượng công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố (BVDP), dân phòng…
Như vậy, sự lớn mạnh và đa dạng hóa hoạt động đảm bảo ANTT tại cơ sở sẽ được nâng cao. Đặc biệt, với sự tham gia của lực lượng công an xã bán chuyên trách sẽ giúp anh em nâng cao công tác nghiệp vụ như: PCCC, sơ cấp cứu, điều tiết giao thông, thu thập tình hình tại cơ sở, tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật; tham gia vận động, thuyết phục, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã được xử lý… 

Do đặc thù là khu vực trung tâm thành phố, thời gian qua, lực lượng BVDP phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 đã tự nguyện thực hiện những việc nêu trên, nhưng không chuyên sâu, dù chúng tôi được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho đi học các lớp nghiệp vụ. Không ít lần chúng tôi lúng túng và phải xin chỉ đạo để thực hiện. Mặt khác, khi thống nhất đội ngũ, lực lượng sẽ được phát triển về quân số, đảm bảo phục vụ công tác ANTT đúng pháp luật, đúng yêu cầu. Và kinh phí cho hoạt động được quan tâm, khích lệ anh em làm việc với tinh thần tự nguyện cao hơn nữa.

Ông NGUYỄN THANH BÌNH
phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức (TPHCM):Luật hóa sẽ giúp chuyên nghiệp lực lượng

Về vai trò nhiệm vụ thực tế từ trước đến nay, lực lượng BVDP không khác gì cánh tay phải của ngành công an, tham gia và đóng góp rất nhiều trong giữ gìn ANTT. Đồng thời là lực hỗ trợ tích cực cho ban, ngành ở địa phương trong nhiều hoạt động và công tác khác. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, lực lượng này chính là nhân tố rất quan trọng hỗ trợ ngành chức năng phòng chống dịch bệnh. Vừa cùng lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự xã hội, vừa tham gia cùng cán bộ đoàn thể, khu phố, tổ dân phố thực hiện công tác an sinh xã hội.

Do cùng công an tuần tra, canh gác, chốt chặn, phát hiện xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật nên tính chất công việc của họ khá nguy hiểm, đã có trường hợp bị thương nặng khi làm nhiệm vụ, trong khi họ gia nhập lực lượng hoàn toàn tự nguyện. Với địa bàn đông dân cư, áp lực trong công tác giữ gìn ANTT không hề nhỏ. Sự hiện diện của lực lượng này rất ý nghĩa... Không chỉ hỗ trợ công an, họ còn sẵn sàng đảm nhiệm những công việc khác do chính quyền triển khai, nhưng chưa có một luật chính thức để ghi nhận những đóng góp của họ, có một danh xưng đúng với chức năng, quyền hạn, được xã hội công nhận. Luật hóa để về sau còn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bài bản thay vì chỉ có tập huấn như hiện nay. Tóm lại, luật hóa sẽ giúp chuyên nghiệp hóa lực lượng này.

Ông LÊ MINH THIỆN
Phó trưởng Ban BVDP phường Phước Long A, TP Thủ Đức (TPHCM): Hoạt động chính quy sẽ thuận lợi hơn

Từ trước tới nay, lực lượng BVDP chỉ hoạt động theo Nghị định, nếu nâng lên thành luật sẽ có nhiều thuận lợi cho hoạt động của BVDP, khi đó anh em làm nhiệm vụ sẽ không còn e dè vì được pháp luật bảo vệ, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Hơn nữa, đó là chế độ, chính sách khi họ nghỉ công tác, bị thương, hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Một vấn đề nữa là trợ cấp hàng tháng, hiện vẫn là phụ cấp chứ chưa phải lương, khoản tiền nhận được rất khiêm tốn. Nhiều người yêu công việc này, làm việc rất hiệu quả phải nghỉ để tìm việc khác, bởi phải lo cho gia đình. Nếu có chế độ đãi ngộ xứng đáng sẽ thu hút được nhiều quần chúng có năng lực, phẩm chất đạo đức tham gia. Ngoài mức lương được hưởng, các địa phương có điều kiện nên hỗ trợ thêm để động viên tinh thần người dân có nguyện vọng đóng góp cho cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục