Chiều 15-1, trong khuôn khổ phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.
Theo dự án luật mà Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trình bày tại phiên họp, tới đây sẽ cho phép thành lập liên doanh với nước ngoài trong cả 3 lĩnh vực: sản xuất, phát hành và phổ biến phim với phần góp vốn của phía nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định. Như vậy, so với sản xuất phim thì dự luật cởi mở hơn (luật hiện hành chỉ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác với tổ chức, cá nhân Việt Nam sản xuất từng bộ phim). Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát hành và phổ biến phim, từ chỗ cho thành lập DN 100% vốn nước ngoài thì dự luật chỉ cho thành lập liên doanh với vốn góp của nước ngoài không quá 51%.
Nhằm giải tỏa lo ngại về nội dung, tư tưởng và hình thức thể hiện của những bộ phim do nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh trình bày: “Theo cam kết khi gia nhập WTO, chúng ta phải mở cửa cho các nhà sản xuất phim nước ngoài, nhưng điều đó không đáng ngại, vì chúng ta có quyền thẩm định, kiểm duyệt tất cả các phim sản xuất tại Việt Nam trước khi phát hành, phổ biến”.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên hỏi lại: “Vậy thì khống chế tỷ lệ góp vốn của bên nước ngoài không quá 51% để làm gì? Mà với 51% họ đã có quyền quyết định chính rồi, nếu có muốn hạn chế phải quy định tỷ lệ vốn góp dưới 50% chứ”? Đây cũng là thắc mắc của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền và Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn.
Để thực hiện cam kết với WTO, dự luật đã bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim nhưng quy định về điều kiện đối với doanh nghiệp nhập khẩu phim chặt hơn trước, theo đó doanh nghiệp sản xuất phim nhưng không có rạp chiếu phim thì không được nhập khẩu phim.
Tuy nhiên, hạn chế mới này xem ra chưa đủ để quản lý nội dung của các tác phẩm điện ảnh được công chiếu. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng đặc biệt quan tâm đến các bộ phim được chiếu trên các kênh truyền hình nước ngoài mà các đài truyền hình trong nước biên tập và phát lại: “Quá nhiều phim bạo lực, kinh dị, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thậm chí gây ảnh hưởng không tốt cho giới trẻ”. Rất ít đài truyền hình đạt được tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam 30% thời lượng (trừ Đài Truyền hình TPHCM đạt tỷ lệ gần 40%). Quản lý chặt chẽ hơn nữa phim phát trên truyền hình là quan điểm của nhiều thành viên UBTVQH, xuất phát từ nhận xét nêu trên.
Điều 24 của dự luật về sản xuất phim đặt hàng bằng ngân sách Nhà nước phải qua đấu thầu được coi là rất ít tính khả thi. Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh thừa nhận, thông tư hướng dẫn thực hiện đấu thầu làm phim đặt hàng từ nguồn ngân sách đến nay vẫn “chưa ra được, vì vướng ở chỗ theo luật hiện hành, sau khi có kịch bản văn học mới được đấu thầu, trong khi thông lệ chung là đấu thầu trọn gói cả kịch bản và phương án sản xuất. Bộ VH-TT-DL đã họp với Bộ Tài chính rất nhiều lần nhưng chưa thống nhất được”.
Lưu ý đến những bất cập hiện nay trong việc phổ biến các tác phẩm điện ảnh chưa được thẩm định với sự thận trọng cần thiết, kể cả tác phẩm sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá đầy đủ quá trình thực hiện Luật Điện ảnh hiện hành làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung luật.
Anh Phương
Tiếp tục chỉnh lý nghị quyết về Cân nhắc tầm quan trọng của việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND nơi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, UBTVQH chưa biểu quyết thông qua các nghị quyết về vấn đề này trong phiên họp ngày 15-1 như dự kiến ban đầu. Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến băn khoăn là sau khi thí điểm không tổ chức HĐND, thì huyện, quận nên được coi là một cấp ngân sách hay chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách. Điều này dẫn đến phải sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến ngân sách địa phương của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND. Vấn đề thứ hai là việc thí điểm bỏ HĐND phường ở những thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật của QH – đơn vị được giao thẩm tra đề án của Chính phủ – còn đề nghị chỉnh lý lại các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND cấp tỉnh ở những địa phương thực hiện thí điểm về giám sát hoạt động của UBND, tòa án, viện kiểm sát nhân dân huyện, quận. UBTVQH dự kiến sẽ tiếp tục bàn và có thể đưa ra quyết định cuối cùng trước khi kết thúc phiên họp thứ 16. B.An |