Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Trọng trách rất lớn cho Hà Nội

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là luật riêng cho Thủ đô Hà Nội, vừa là Thủ đô hành chính của cả nước, vừa là một đô thị đặc biệt của cả nước nên cần có các quy định, cơ chế riêng, ưu đãi đặc thù, đặc biệt vượt trội nhưng vẫn phải đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật có liên quan. Đồng thời các quy định đặc thù này cũng là giao trách nhiệm lớn cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Trọng trách rất lớn cho Hà Nội

Cần trao quyền hơn nữa cho TP Hà Nội

Ngày 20-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với các ý kiến thảo luận về việc phân cấp, phân quyền, giao quyền cho thành phố những chính sách đặc thù, vượt trội, vượt trên quy định hiện hành. Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cần phân cấp thêm cho HĐND TP Hà Nội và Thường trực HĐND TP Hà Nội để giải quyết những vấn đề quan trọng của thành phố.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần trao thêm quyền cho TP Hà Nội

Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần trao thêm quyền cho TP Hà Nội

Đặc biệt, qua vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ vừa qua, đồng chí Đinh Tiến Dũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn bất cập, khi tòa nhà được cấp phép 6 tầng nhưng vi phạm xây dựng tới 9 tầng. Theo Bí Thư Thành ủy Hà Nội, điều kiện thực tế về hạ tầng, giao thông tại khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn, việc cho phép xây 6 tầng cũng đã bất cập, khu vực này có thể chỉ phù hợp xây dựng 2-3 tầng. Từ thực tế đó, Bí Thư Thành ủy Hà Nội đề nghị trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cần trao quyền cho Hà Nội quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thực tiễn và với những địa bàn cụ thể để đảm bảo an ninh, an toàn lâu dài.

Đối với vấn đề di dời cơ sở ô nhiễm y tế, trường học ra khỏi nội đô, đề nghị giao cho TP Hà Nội bỏ tiền ngân sách và thực hiện theo quy hoạch; cơ chế nữa là hỗ trợ cho các cơ quan trung ương di chuyển trụ sở, cải tạo trụ sở cũng nên thực hiện bằng ngân sách thành phố.

Thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành với việc bổ sung vào phạm vi điều chỉnh dự thảo luật, chính sách về tổ chức chính quyền, tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư.

“Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho xây dựng và phát triển chính quyền đô thị trung tâm của cả nước và hệ thống đô thị vệ tinh lân cận, giúp Thủ đô vận hành linh hoạt, nhanh nhạy, có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng để có thể huy động nguồn lực đầu tư, tăng tính hội nhập, tạo sự bứt phá nhưng cũng bảo đảm bảo tồn mạch văn hiến ngàn năm”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ.

Nhấn mạnh đây là đạo luật riêng quy định cho Thủ đô Hà Nội, vừa là Thủ đô hành chính của cả nước, vừa là một đô thị đặc biệt của cả nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, quy định các cơ chế riêng, ưu đãi đặc thù, đặc biệt vượt trội so với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời cũng là các quy định giao trách nhiệm lớn cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Luật Thủ đô (sửa đổi) vẫn phải đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật có liên quan và hơn nữa, ngoài Luật Thủ đô, Hà Nội vẫn phải thực hiện toàn bộ các quy định có liên quan của hệ thống pháp luật.

Toàn diện nhưng phải trọng tâm

Trong khi đó, nhấn mạnh dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là đạo luật về phân cấp và phân quyền cho Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, phải phân cấp và phân quyền toàn diện, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế; phải có trọng tâm, trọng điểm. Đối với nội dung nào phân cấp cho cấp thành phố cần thể hiện rõ, ngoài ra nghiên cứu quy định để thành phố có thể phân quyền cho cấp dưới như quận, huyện, sở, ngành.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập nhiều cơ chế đã áp dụng cho một số địa phương như: TPHCM, Khánh Hòa nên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, ban soạn thảo cần trao đổi với các địa phương này để xem nội dung nào cần điều chỉnh, nâng cấp hơn cho Hà Nội.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có những quy định, quy chế đặc thù để xây dựng, quản lý và phát triển Hà Nội hơn nữa

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có những quy định, quy chế đặc thù để xây dựng, quản lý và phát triển Hà Nội hơn nữa

Đề cập đến vấn đề môi trường, giao thông, phòng cháy chữa cháy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nên có những tiêu chuẩn, quy chuẩn mà thành phố quy định khác biệt hơn so với cả nước. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề chung cư mini, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban ban Pháp luật rà soát lại Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

“Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở. Vụ cháy chung cư vừa rồi vô cùng đau xót. Do đó, tại Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có cho phép Hà Nội được quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn về các lĩnh vực như môi trường, giao thông, PCCC hay không?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề.

Về nội dung của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, Thủ đô Hà Nội đã có nghị quyết riêng về công nghiệp văn hóa, đề nghị rà soát lại trong nghị quyết về công nghiệp văn hóa của Thủ đô có thể luật hóa được trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo điều kiện cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển; nghiên cứu cho Hà Nội có thẩm quyền và quy định những cái khác biệt so với các nơi khác về xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; về chính sách huy động vốn, ngoài định mức đã được quy định, cần thiết phải có cơ chế huy động nguồn vốn để đáp ứng những nhu cầu cấp bách của thành phố.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo, như: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong luật để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phù hợp với Thủ đô.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).

Tin cùng chuyên mục