Đủ chiêu lừa đảo cuối năm

Thời điểm gần tết, các loại tội phạm hoạt động mạnh, phức tạp hơn, trong đó tội phạm lừa đảo với nhiều thủ đoạn tinh vi. Mặc dù Công an TPHCM đã cảnh báo nhưng thực tế nhiều người mất cảnh giác phải ôm hận do tiền mất tật mang.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Công an TPHCM nhiều lần cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo, trong đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hệ thống ngân hàng như giả mạo tin nhắn SMS brandname, chuyển tiền nhầm, mạo danh ngân hàng cho vay… đến giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án và lợi dụng mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản bị hại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mắc bẫy vì các thủ đoạn này.

Công an TPHCM lấy lời khai một đối tượng lừa đảo qua mạng
Chị N.T.N. (SN 1988, quê Quảng Bình, trú quận Gò Vấp) vừa mất gần 630 triệu đồng vì lỡ nhấn vào đường dẫn (link) hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, chị N. cho biết, chị nhận được tin nhắn điện thoại mời nhận “ho tro tu quy-BHTN”. Kèm đó là đường link: www.vnbomo.icu để lấy quà, nếu để quá hạn sẽ không được chấp nhận. Tin lời, chị N. nhấp vào đường link trên thì được chuyển tới 1 trang web (có thiết kế giống ứng dụng “Smart banking” của ngân hàng BIDV), yêu cầu người dùng đăng nhập vào tài khoản. Đăng nhập xong, đường link yêu cầu chị N. cung cấp mã OTP do tổng đài ngân hàng chuyển về.

Chị N. làm theo yêu cầu thì chỉ vài phút sau, số tiền trong tài khoản của chị bị trừ 2 lần, tổng cộng gần 630 triệu đồng. Hôm xảy ra vụ việc, chị có đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp, có đăng nhập vào trang của bảo hiểm và chờ xác nhận. Lúc này, chị thấy tin nhắn tới đã không đề phòng và đăng nhập dẫn tới mất số tiền nói trên.

Còn chị T.N.M. (ngụ quận 1) kể, chị nhận cuộc gọi từ số 0289999115 có người tự xưng là nhân viên Mobifone nói hỗ trợ chị chuyển sim từ 3G lên 5G. Người này đề nghị chị M. cung cấp CMND/CCCD và thông tin cá nhân để hỗ trợ chuyển đổi sim. Khi chị M. nhận được tin nhắn từ Mymobifone thì cung cấp luôn mã OTP. Chị M. nhớ lại, lúc đó không cảnh giác, cung cấp mã OTP thì số điện thoại của chị không sử dụng được nữa. Chị nhanh chóng ra cửa hàng Mobifone để lấy lại số điện thoại. Tuy nhiên, các đối tượng đã chuyển hết tiền trong tài khoản của chị.

Cuối năm, các đối tượng lừa đảo còn đánh vào tâm lý nhu cầu tìm việc của người lao động. Các đối tượng nhắn tin mời tuyển dụng, làm việc tại các sàn thương mại điện tử với đãi ngộ việc nhẹ, lương cao. Nhiều tin nhắn mời gọi cơ hội việc làm trên điện thoại với mức lương chính quy từ 10-30 triệu đồng/tháng đầy hấp dẫn. Để tạo lòng tin, các đối tượng để lại số điện thoại, zalo để liên lạc. Người lao động tham gia đăng ký phải đặt cọc một khoản tiền để giữ chỗ làm hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng… Khi người dân cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP thì bị các đối tượng chiếm đoạt tiền từ tài khoản.

Tăng mức cảnh giác

Lãnh đạo Công an quận Tân Phú (TPHCM) khuyến cáo người dân thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin, chương trình khuyến mãi trước khi nhấn vào link tham gia. Người dân cần nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân như CMND/CCCD, điện thoại, nhất là số tài khoản và mã OTP ngân hàng... cho bất cứ cá nhân nào để tránh bị chiếm đoạt tiền từ tài khoản. Các hình thức đóng tiền trước khi làm việc, đóng tiền đồng phục... cũng là hành vi lừa đảo, người dân cần hết sức cảnh giác.

Công an TPHCM khuyến cáo, khi nhận tin nhắn SMS, người dân cần bình tĩnh gọi đến tổng đài chính thức (hotline) của ngân hàng kiểm tra lại thông tin là đúng hay sai. Đặc biệt, người dân không truy cập vào đường dẫn giả mạo ngân hàng khi chưa kiểm chứng rõ ràng. Ngoài ra, người dân tuyệt đối không hoàn, chuyển tiền cho người lạ (tự xưng là người chuyển nhầm tiền qua điện thoại) khi không có bên thứ 3 làm chứng (đại diện ngân hàng hoặc cơ quan công an); không tự ý hoàn, chuyển vào tài khoản khác (tài khoản ngân hàng cho rằng đã chuyển nhầm cho mình), mà cần chờ phía ngân hàng phản hồi và giải quyết trước.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết, gần đây tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy và tệ nạn xã hội đang lợi dụng không gian mạng để hoạt động, trong đó tội phạm lừa đảo qua mạng bằng kịch bản giả danh cơ quan công quyền, cơ quan nhà nước gây thiệt hại lớn. Sau khi đối tượng lừa đảo chiếm quyền sử dụng tài khoản, sẽ thực hiện chuyển tiền của bị hại rất nhanh. Do đó, việc chính yếu vẫn là phòng ngừa, mỗi người dân cần hết sức cảnh giác. Về phía Công an TPHCM, đơn vị cũng tham mưu, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quản lý việc mở tài khoản. Bởi hiện nay, việc mở tài khoản ngân hàng khá dễ dàng nên các đối tượng lợi dụng sử dụng sim rác, CMND giả hoặc thuê để mở tài khoản.

Theo Thượng tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM, thủ đoạn mạo danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện hù dọa người dân đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản tồn tại từ rất lâu. Thời gian vừa qua, Phòng PC02 phối hợp cùng công an các quận huyện đã tập trung đấu tranh xử lý nhiều vụ việc. Năm 2021, Công an TPHCM đã xử lý hơn 308 đối tượng liên quan đến 286 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng và mạng viễn thông.

Tin cùng chuyên mục