Đổ bệnh với thực phẩm chức năng

Đủ chiêu trò lừa bịp

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam, tính đến hết năm 2018, số người thường xuyên sử dụng TPCN tại Việt Nam là hơn 20 triệu người, tương đương 21,5% dân số. 
Lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh TPCN có nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc
Lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh TPCN có nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc

Nhu cầu sử dụng TPCN để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng gia tăng và không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN sử dụng đủ mọi chiêu trò để trục lợi trên sức khỏe của người dân. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng, giá cả của mặt hàng nhạy cảm này còn nhiều khó khăn, bất cập. 

Vài năm trở lại đây, TPCN được nhiều người xem như thuốc chữa bách bệnh, từ “bổ thận, tráng dương”, “đẹp da, ngăn ngừa lão hóa”, “giảm cân, làm đẹp” đến “giúp trẻ hay ăn, tăng trưởng chiều cao”, thậm chí “hỗ trợ điều trị ung thư”… Sự ngộ nhận và cuồng tín với các loại sản phẩm này khiến thị trường TPCN ngày càng khó kiểm soát.
Thổi phòng khả năng trị ung thư
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thủy (37 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) đã phải cầu cứu bác sĩ vì bệnh ung thư vú tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. “Lúc mới nhận kết quả ung thư giai đoạn đầu, tôi đã tìm tới những TPCN hỗ trợ. Các sản phẩm đều được rao nhập từ Australia, Nhật Bản, Pháp, Mỹ. Họ quảng cáo có tác dụng hỗ trợ, làm mềm, thu nhỏ khối u, nhưng uống mấy tháng liền không thấy đỡ chút nào, khi đi tái khám ở bệnh viện (BV) chuyên khoa ung bướu mới biết bệnh đã nặng thêm”, chị Thủy chia sẻ. 

Mặc dù nhiều loại TPCN không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, hàng nhái, hàng giả, thậm chí chứa những thành phần hóa chất nguy hại cho sức khỏe, nhưng vẫn được kinh doanh và quảng cáo tràn lan như “thần dược”. Chỉ cần một cú click chuột trên Google với cụm từ “bán TPCN hỗ trợ điều trị ung thư” đã cho ra hơn 41 triệu  kết quả trong vòng chưa đầy 1 giây; trong đó không ít trang quảng cáo sản phẩm này có rất nhiều công dụng hữu hiệu tới mức khó tin như: “Khử các tác nhân gây ung thư, ngăn chặn quá trình ủ bệnh, tự tiêu hủy các tế bào ung thư, hạn chế bớt tác dụng phụ của quá trình hóa trị, xạ trị...!”.

Theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, thực tế có những bệnh nhân phát hiện mắc bệnh ung thư ở giai đoạn sớm và nếu được điều trị theo đúng phác đồ, có thể khỏi bệnh hoặc ít ra cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào những sản phẩm TPCN được thổi phồng về khả năng trị ung thư nên họ không đến BV, bỏ dở điều trị. Sau thời gian sử dụng TPCN nhưng không khỏi, khi quay lại BV thì đã quá muộn! 

Tại BV Da liễu TPHCM, các bác sĩ nơi đây cũng thường xuyên điều trị bệnh nhân trong tình trạng làn da bị lở loét, sần sùi do sử dụng một số loại TPCN rao bán trên mạng. Nguyên do không ít loại TPCN có thành phần, hoạt chất giống như thuốc, hoặc có hàm lượng hóa chất nguy hại gây ra dị ứng, phản ứng. Không ít trường hợp cũng đã phải cấp cứu do bị ngộ độc hay dị ứng TPCN tại BV Bạch Mai. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, cảnh báo: “Không ít TPCN chứa hóa chất nguy hại nên nếu tự ý sử dụng, lạm dụng thì hậu quả khôn lường”. 

Tràn lan hàng giả, hàng nhái

Là doanh nghiệp từng tham gia phân phối và hợp tác sản xuất TPCN, Công ty Thương mại dược phẩm Phát Lộc phải từ bỏ mặt hàng TPCN vì không cạnh tranh nổi với các cơ sở làm hàng nhái. Ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Công ty Thương mại dược phẩm Phát Lộc, ngao ngán: “Hầu hết đối tượng sang Trung Quốc gia công TPCN, mua theo cân, theo lô, rồi nhập về bằng đường tiểu ngạch”. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm và TPCN cũng cho biết, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh TPCN nhỏ lẻ sẵn sàng chia hoa hồng tới hàng chục phần trăm để đưa TPCN vào nhà thuốc.

Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, 80% sản phẩm TPCN lưu hành trên thị trường là hàng sản xuất ở trong nước. Qua các đợt kiểm tra gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát hiện có sản phẩm giả, kém chất lượng, thậm chí ngay cả sản phẩm nhập ngoại cũng là hàng trôi nổi. “Nhiều đối tượng sản xuất và tiêu thụ TPCN giả thường lập công ty có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN. Sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm, như viên nang hoặc lọ không dán tem, nhãn mác. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ mạnh về loại sản phẩm nào thì cho dán nhãn mác giả đó vào rồi tung ra thị trường”, một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết. Phần lớn nguyên liệu sản xuất TPCN đều không rõ nguồn gốc, hoặc có nguồn từ Trung Quốc với giá thành rất rẻ, nhưng khi ra sản phẩm thành phẩm bán ra thị trường, lại được “phù phép” thành sản phẩm của Mỹ, Nhật, Australia hay một số nước châu Âu nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhìn nhận hiện nay TPCN giả, nhái chủ yếu từ Trung Quốc đưa về Việt Nam, được ngụy trang bằng đủ hình thức và tập kết hàng tại các địa bàn hẻo lánh hiểm trở, sau đó chuyển qua các đường mòn nhỏ lẻ để vào thị trường nội địa. Không ít đối tượng lập công ty kinh doanh TPCN, công bố chất lượng sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm nhưng sau đó thuê gia công tại cơ sở ở Trung Quốc, rồi dán tem nhãn, đóng thành phẩm, quảng cáo quá công dụng và đưa ra thị trường. Họ sẵn sàng nhái những sản phẩm bán chạy của các doanh nghiệp uy tín, rồi tung lên mạng xã hội quảng cáo như “thần dược, thuốc tiên”.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện cả nước có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh TPCN, với trên 10.000 sản phẩm đang lưu hành. Đáng lo nhất là những biện pháp quản lý của cơ quan chức năng chưa thực đủ mạnh để dẹp loạn thị trường TPCN nên người tiêu dùng vẫn phải gánh chịu hậu quả. 

Ông NGUYỄN THANH PHONG
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Diễn biến phức tạp


Tình trạng kinh doanh TPCN hay các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng qua điện thoại, messenger… đang ngày càng phức tạp. Nhiều doanh nghiệp nắm trúng tâm lý khách hàng vốn muốn có được hiệu quả nhanh nhất, trong thời gian ngắn nhất, nên ra sức quảng cáo sản phẩm của mình lên mức như “thần dược”. Nguy hiểm hơn, tình trạng mạo danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về các mặt hàng TPCN vẫn còn khá phổ biến.

Tin cùng chuyên mục