Dự định từ quý 1-2022, vận hành nhà máy sản xuất 100 triệu liều vaccine Covid-19/năm tại Việt Nam

Tập đoàn VinGroup đã đàm phán với Nhà sản xuất Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ tinh chất mRNA. Nhà máy do Vingroup đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất khoảng 100 triệu liều/năm, dự định bắt đầu sản xuất từ quý 1-2022. 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

11 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine đạt trên 50%

Gửi báo cáo đến ĐBQH để chuẩn bị cho phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến ngày 5-11-2021, tổng số vaccine đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là 198,8 triệu liều, đã tiếp nhận 124,7 triệu liều vaccine và phân bổ theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch…; thực hiện ưu tiên tiêm cho các đối tượng người già, người có nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động. Hiện đã phân bổ hơn 110 triệu liều vaccine cho các đơn vị, địa phương để tiêm chủng cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và một số trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.

Theo người đứng đầu ngành y tế, cả nước đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam. Tính đến ngày 4-11-2021, cả nước đã tiêm được 86,4 triệu liều vaccine Covid-19; đã có trên 32,5 triệu người tiêm 1 liều và trên 26,9 triệu người tiêm đủ 2 liều.

Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 81,2% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 37,34% dân số từ 18 tuổi trở lên; vào ngày cao điểm cả nước tiêm được trên 2 triệu liều.

13 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95%; có 11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%. Riêng các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tiêm được 94,1% mũi 1 và 48,7% mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Đồng thời, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch cũng được đẩy mạnh – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin. Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus; nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, một số trang thiết bị y tế; đảm bảo được trang thiết bị phòng hộ…

Về nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, đã có 2 vaccine được thử nghiệm lâm sàng là NanoCovax và Covivac; 2 vaccine chuyển giao công nghệ với Mỹ, Nga (Vingroup nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ, Vabiotech nhận từ Nga) và 2 vaccine có hợp tác chuyển giao công nghệ với Trung Quốc, Cuba.

Cụ thể hơn nữa, người đứng đầu ngành y tế nêu rõ, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng Covid-19, trong đó: 1 ứng viên vaccine đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (NanoCovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen); 1 ứng viên đang thử nghiệm lâm sàn giai đoạn 1 (Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang). Quy mô sản xuất trên nền cơ sở vật chất hiện có: Covivac 6 triệu liều/năm, NanoCovax 20-30 triệu liều/năm và có thể nâng công suất khi được đầu tư.

Ngày 7-5-2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng Covid-19.

Tập đoàn VinGroup đã đàm phán với Nhà sản xuất Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ tinh chất mRNA. Nhà máy do Vingroup đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất khoảng 100 triệu liều/năm, dự định bắt đầu sản xuất từ quý 1-2022.

Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 9-2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

Tỷ lệ vaccine bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% trong quý 4-2021

Trong số những nội dung công việc thời gian tới, người đứng đầu ngành y tế khẳng định, cần tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10-2021 ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cam kết sẽ nỗ lực chỉ đạo đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc, thực hiện tiêm mũi tăng cường và triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học. Hướng tới tỷ lệ vaccine bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% trong quý 4-2021 và đầu năm 2022. Từ quý 4 năm 2021, Bộ Y tế tiếp tục triển khai tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương với mục tiêu 100% trẻ trong độ tuổi này được tiêm đủ số mũi cơ bản; mở rộng tiêm cho trẻ em thuộc các nhóm tuổi khác có chỉ định sử dụng vaccine, đảm bảo toàn bộ người dân bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine phòng Covid-19.

Tin cùng chuyên mục