Du lịch nội địa: Ánh sáng đến, đừng để tắt

Năm 2022, khách du lịch nội địa đạt mức kỷ lục, vượt xa mức đỉnh của thời điểm trước dịch năm 2019, trở thành cứu cánh cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam, khi khách quốc tế vẫn chưa trở lại nhiều. Thế nhưng, làm sao khai thác bền vững nguồn khách tiềm năng này vẫn đang là câu hỏi khó ngành du lịch cần tìm lời giải.
Du lịch nội địa: Ánh sáng đến, đừng để tắt

1. Những ngày giáp Tết Quý Mão, gia đình anh Tùng (quận 3, TPHCM) đã chuẩn bị khá đầy đủ cho chuyến du lịch đầu xuân. Năm nay gia đình anh quyết định chọn nghỉ dưỡng tại Sapa (Lào Cai). Suốt từ năm ngoái sau khi dịch được kiểm soát, dù rất muốn đi du lịch nước ngoài nhưng nhiều nước chưa mở cửa trở lại, anh Tùng đành phải chọn du lịch trong nước. Nhưng sau vài chuyến du lịch đến Phú Quốc, Ninh Bình, Hội An, Đà Nẵng… gia đình anh đã rất thích thú với phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời của đất nước mà trước đó chỉ được xem trên tivi. Vì thế, hầu hết ngày nghỉ trong năm 2022, anh Tùng cùng gia đình đều chọn điểm đến trong nước để nghỉ và khám phá những điều mới mẻ.

Những du khách nội địa ngày càng yêu thích những chuyến du lịch trong nước như gia đình anh Tùng không còn hiếm. Họ đang trở thành “ánh sáng” cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam khi khách quốc tế vẫn chưa quay lại nhiều. Nếu năm 2019 khách du lịch nội địa đạt đỉnh với 85 triệu lượt khách, chỉ trong 10 tháng năm 2022 lượng khách du lịch nội địa đã đạt 91,8 triệu lượt và hết năm nay mảng du lịch nội địa chắc chắn sẽ ghi dấu con số kỷ lục chưa từng có.

Không chỉ đi du lịch, khách nội địa bây giờ chi tiêu rất mạnh tay. Tại diễn đàn Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 8 năm ngoái tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, chia sẻ trước đây 1 khách quốc tế chi tiêu khoảng 1.500USD ở Thái Lan và khoảng 1.100USD ở Việt Nam, đến thời điểm này chi tiêu của khách nội địa đã vượt các con số trên. Có được điều này do đời sống người dân Việt Nam ngày càng cao, tốc độ gia tăng của tầng lớp trung lưu khá nhanh, đặc biệt phân khúc “rich kid” (tệp khách hàng trẻ có mức chi trả cao) đang dần trở thành tệp khách hàng quan trọng của ngành du lịch nội địa. Du khách Việt giờ thích hướng đến những trải nghiệm các dịch vụ chất lượng, đẳng cấp trước nay vốn dành cho khách quốc tế. Thế nhưng phía sau niềm vui vẫn còn không ít băn khoăn: làm sao để phát triển du lịch nội địa bền vững.

2. Tại hội nghị du lịch hồi tháng 8-2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng khai thác du lịch nội địa với tâm lý “nội địa” và có sự dễ dãi trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Theo ông Hùng, tại thời điểm này có thể khai thác khách nhưng về lâu dài sẽ không đáp ứng được. Có 2 vấn nạn đang trở thành nỗi ám ảnh mỗi mùa du lịch cao điểm, là “chặt chém” và chèo kéo du khách. Đã có không ít trường hợp du khách tố bị “chặt chém” khi ăn tại các nhà hàng ở nhiều thành phố du lịch, trong đó thành phố biển Nha Trang là cái tên hay được nhắc đến. Rồi nếu không có sự chuẩn bị tốt, du khách còn rơi vào cảnh bị “chặt chém” khi thuê phòng ở vào phút chót tại những điểm du lịch nổi tiếng mùa đông khách.

Nói về thực trạng “chặt chém”, một số ý kiến cho rằng việc không đi theo tour của các công ty lữ hành là một trong những nguyên nhân đẩy du khách vào hoàn cảnh này, bởi các công ty luôn có những đối tác lâu dài, có sự chuẩn bị chặt chẽ trước các chuyến đi. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch với mảng du lịch nội địa, có khoảng gần 80% du khách chọn hình thức du lịch độc lập, còn lại mua tour qua các công ty du lịch. Song nếu lý giải vì không đi theo tour nên bị “chặt chém” chưa thuyết phục. Cần phải nhìn thẳng vào sự thật, “chặt chém” là biểu hiện của cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, làm xấu đi hình ảnh du lịch của nhiều địa phương.

Cùng với nạn “chặt chém”, vấn nạn chèo kéo, đeo bám du khách để bán hàng cũng khiến nhiều du khách cảm thấy ngán ngẩm. Người đeo bám không chỉ dai, bày đủ trò, khi không bán được hàng sẵn sàng thay đổi thái độ, nói những lời khó nghe, thậm chí dọa dẫm khách… Những tệ nạn này dễ đẩy khách vào tình thế đến một lần cho biết rồi thôi. Đây là điều “tối kỵ” với du lịch, kể cả với du khách trong nước hay du khách quốc tế.

3. Trước những vấn nạn gây ám ảnh cho du khách, hầu hết địa phương đã vào cuộc chấn chỉnh, nhưng dường như đâu vẫn vào đó, có giảm nhưng không nhiều. Chúng ta vẫn chưa thực sự mạnh tay, vẫn còn những “thỏa hiệp” ngầm với những vấn nạn này. Nói đến đây chắc sẽ có ý kiến cho rằng “chặt chém”, chèo kéo không phải “đặc sản” của riêng ngành du lịch Việt Nam. Có thể là như vậy nhưng đừng so sánh mà hãy làm tốt việc của mình trước. Theo đó, chúng ta hãy xây dựng hình ảnh du lịch đẹp và thân thiện thay vì thỏa hiệp và dễ bằng lòng. Còn nếu thực sự phải so sánh, không thể không thừa nhận ngành du lịch Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc… đang làm tốt hơn chúng ta. Có những nước nếu xét về phong cảnh thiên nhiên có thể chưa đẹp, chưa phong phú như Việt Nam, nhưng cách làm du lịch lại rất chuyên nghiệp, thế nên ngay cả khách Việt Nam cũng muốn quay lại nhiều lần.

Tất nhiên để làm tốt những việc này cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều địa phương, riêng chỉ ngành du lịch sẽ không làm xuể. Song ngành du lịch phải là ngọn cờ đầu trong các giải pháp, trong các kết nối để tìm hướng giải quyết tốt nhất, triệt để nhất những vấn nạn gây nhức nhối lâu nay của du lịch. Xin đừng ngủ quên trên chiến thắng khi cho rằng khách du lịch nội địa đang bùng nổ nên không cần quá lo lắng. Chúng ta cần làm du lịch chuyên nghiệp để giữ trọn ánh sáng ấy cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam, đồng thời tạo đà để đón khách quốc tế khi thị trường sôi động trở lại. Khi ấy sự nỗ lực này sẽ đổi lấy cả 2 thành quả tuyệt vời từ khách nội địa và khách quốc tế.

Tin cùng chuyên mục