Không còn là vùng ghé qua
Trên bản đồ du lịch Việt Nam, Quảng Bình từng bị coi là điểm dừng chân “ngắn ngày”, nơi người ta đi qua sau một đêm ngủ, hoặc ghé động Phong Nha rồi rời đi. Nhưng giờ đây, hình ảnh ấy đang dần thay đổi.
Những dòng xe mang BKS Hà Nội, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng… nối dài trên đường Trương Pháp. Những khách sạn 3 sao, homestay ven sông Son kín phòng. Những khu du lịch sinh thái như Khe Nước Lạnh, suối Nước Moọc, sông Chày – hang Tối, Hava Valley trở thành nơi tránh nóng lý tưởng trong đợt cao điểm nắng gay gắt.

"Chúng tôi đến Quảng Bình vì thiên nhiên hùng vĩ, có mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có những hang động mà nơi khác không có", anh Nguyễn Duẫn ở Hà Nội cho biết.
Dưới ánh nắng mùa hè đầu tiên của năm, khách nội địa chiếm hơn 97% tổng lượng khách, điều này vừa cho thấy tiềm năng to lớn từ thị trường trong nước, vừa gợi mở một câu hỏi, Quảng Bình đã thực sự sẵn sàng cho khách quốc tế quay lại.
Câu trả lời phần nào nằm trong việc các đoàn khách đến từ Anh, Mỹ, Pháp, Hàn, Nhật, Đức đã bắt đầu quay lại. Dù số lượng chỉ chiếm 2%, nhưng đó là những thị trường có yêu cầu khắt khe nhất về dịch vụ và chính họ sẽ là sự phản chiếu chất lượng thực sự của một điểm đến.
Hành trình của ký ức đẹp
Dịp lễ không chỉ là “nghỉ” mà là lúc xã hội quan sát nhau. Chính quyền có đủ điều kiện để điều phối giao thông? Doanh nghiệp có giữ được giá không tăng phi lý? Người dân có mến khách không? Và quan trọng hơn, du lịch có đang trở thành một dòng chảy của kinh tế địa phương, hay vẫn là một mùa vụ phụ thuộc vào thời tiết và dịp nghỉ?

Quảng Bình lần này đã trả lời phần lớn bằng hành động. Ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh đã ra hàng loạt công văn từ giữa tháng 3-2025 để chuẩn bị kỹ từ kiểm tra an toàn, chất lượng dịch vụ đến hỗ trợ du khách, cổ động trực quan. Hàng loạt hoạt động diễn ra như: Tuần Văn hóa – Du lịch Đồng Hới, lễ hội đua thuyền Nhật Lệ, các đêm pháo hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh và khu đô thị Bảo Ninh…
“Chúng tôi không muốn chỉ đông khách trong lễ hội rồi lại rơi vào trống vắng. Kỳ nghỉ này là dịp để kiểm tra độ bền của toàn hệ thống: từ hạ tầng đến con người", Bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Quảng Bình nói.
Từ Bảo Ninh ra đến Nhật Lệ, những đoàn xe BKS Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An nối dài cả ngày lẫn đêm. Tại các điểm văn hóa như Quảng trường Hồ Chí Minh, phố đêm Đồng Hới hay khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, du khách không chỉ đi chơi mà đi tìm lại ký ức, bề dày văn hóa, một phần lịch sử vẫn còn sống.
“Không phải khách nào cũng cần trò chơi cảm giác mạnh. Họ đến để nhìn thấy một Quảng Bình có hồn cốt văn hoá, lịch sử, chứ không chỉ để chụp hình", ông Trần Đức Hòa, cán bộ nghỉ hưu dẫn đoàn CLB hưu trí từ TP Vinh, Nghệ An vào tham quan nói.

Ngay cả những đơn vị nhỏ như các homestay, farmstay, nhóm hướng dẫn viên địa phương cũng bước vào cuộc với tâm thế chủ động. Không chỉ mở cửa đón khách, họ còn tham gia lễ hội, chia sẻ câu chuyện vùng đất, kết nối du khách với trải nghiệm thật.
Tất nhiên, vẫn còn những điều phải điều chỉnh, một số tuyến đường tắc nghẽn cục bộ; một vài điểm dịch vụ quá tải khiến khách chưa thật sự hài lòng. Nhưng điều tích cực là chính quyền không tránh né mà thẳng thắn nhìn nhận, coi đây là “phản hồi trực tiếp” để chỉnh sửa trước mùa cao điểm hè.
Sau kỳ nghỉ, Quảng Bình không trở về trạng thái "ngủ đông". Điều tốt nhất còn lại không phải chỉ là doanh thu, mà là niềm tin – rằng vùng đất này đang đi đúng hướng. Một địa phương không thể phát triển du lịch chỉ bằng vài “đợt sóng” lễ hội. Nhưng nếu biết giữ “sóng” bằng văn hóa, con người và trải nghiệm, thì mỗi mùa cao điểm sẽ là một lần vững thêm nền móng.
Khi Phong Nha được kể như nơi để “sống chậm”, khi Bảo Ninh không chỉ là bãi biển mà là điểm đến, khi Nhật Lệ không chỉ nổi tiếng vì đua thuyền mà còn vì những quán nhỏ, người dân thân thiện, khi du khách chọn ở lại thêm vài ngày để “nhớ” – đó là lúc du lịch không chỉ là ngành kinh tế, mà là một phần ký ức cộng đồng.
“Tôi từng nghĩ Quảng Bình chỉ là "cửa ngõ ra Bắc". Bây giờ, tôi nghĩ mình sẽ ở lại thêm vài ngày mỗi năm – không phải vì thiếu điểm đến khác, mà vì nơi này đủ yên tĩnh để nhớ", Chị Lê Phương Anh, du khách Hà Nội nhận xét.
Quảng Bình đã đi được một đoạn. Và nếu cứ giữ vững nhịp điệu, mỗi mùa lễ sau sẽ không chỉ là “cao điểm du lịch”, mà là một lễ hội thật sự của tăng trưởng, của cộng đồng, và của dân sinh.