
- Thật giả khôn lường
Điều dễ nhận thấy thời gian gần đây, khu du lịch sinh thái mọc khắp nơi, nó được tạo dựng dường như theo kiểu cách “người ta có, mình cũng phải có” hơn là khai thác, đầu tư đúng đắn về du lịch sinh thái.

Xe thổ mộ chở khách thăm làng quê.
Theo ông Trương Hoàng Phương, thạc sĩ ngành địa lý: “Nhiều người nhắc đến sinh thái nhưng mấy ai hiểu đầy đủ ý nghĩa sinh thái. Du lịch sinh thái phải dựa trên yếu tố: bảo vệ, khai thác bền vững môi trường thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, mặt khác bảo đảm việc nâng cao đời sống cộng đồng địa phương. Nếu ai đó áp đặt sai mục đích chẳng khác gì sinh thái giả tạo”.
Vậy làng du lịch tại Phong Điền – Cần Thơ với loại hình nhà vườn, sông nước đan xen dịch vụ hội nghị, tiệc tùng, karaoke... có nên khiên cưỡng gán ghép là du lịch sinh thái ? Hay làng cò T. tỉnh Sóc Trăng, vốn liếng chỉ lèo tèo vài đàn cò trong khoảnh vườn bé tí tẹo, thiếu hẳn sự chăm sóc, quy hoạch lâu dài vẫn trưng bảng du lịch sinh thái.
Còn nữa, sân chim Vàm Hồ – Bến Tre, tràm chim Bạc Liêu từng một thời khiến du khách ngẩn ngơ, nao lòng khi ngắm nhìn cảnh náo nhiệt của hàng trăm ngàn chim, cò, diệc, cồng cộc... sải cánh bay lượn trên những cánh rừng chen chúc nào tràm, đước, chà là, ô rô thì nay đã trống vắng, xác xơ.
- Đất lành chim đậu, đất không lành ta nhậu luôn chim
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trường hợp chim cò phải rời bỏ vườn Vàm Hồ, Bạc Liêu di trú sang nơi khác như: theo mùa sinh sản, nguồn thức ăn cạn kiệt, môi trường sinh thái thay đổi, bị sát hại làm thực phẩm v.v… Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, tác nhân chính là do con người thiếu tâm huyết, năng lực quản lý, khai thác bừa bãi, ảnh hưởng môi sinh.
Chưa kể đến hiện tượng mua bán, sát hại xảy ra nhan nhản. Tôi không thể nào quên chuyến khảo sát cách đây vài năm, tại Bằng Lăng – Cần Thơ, bên kia mương là vườn cò, bên này hàng quán của chủ vườn, người ta vô tư nhậu nhẹt những con chim vừa mới ra ràng; xuống Ngọc Hiển – Cà Mau, chưa kịp hỏi đường vào vườn chim, có kẻ đã mời vào nhà lai rai món chim nướng.
Tệ hơn hết là vùng Đồng Tháp Mười, để được tiếng là hiếu khách người ta sẵn sàng làm thịt hơn chục con điên điển, loài chim quý hiếm cùng với chim trích, tôm, cá để đãi khách. Về phía khách, dù được tiếp đãi bằng món “đặc sản” hiếm có kèm theo lời lý giải “giết nhằm cân bằng sinh thái” nhưng xem ra chẳng mấy ai hào hứng, đồng tình.
- Khi người lính bảo vệ rừng làm du lịch
“Tọa lạc trong vùng đất trũng ngập nước thuộc huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang, khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư được thành lập năm 1991 là khu rừng đặc dụng có diện tích 845 ha, chưa kể 645 ha vùng đệm, được chia ra 3 phân khu với các chức năng: Khu bảo vệ bền vững cảnh quan tự nhiên, khu phục hồi tái sinh tự nhiên và khu hành chánh, nghiên cứu, thí nghiệm, dịch vụ du lịch.
Hệ động vật hoang dã rất phong phú gồm 11 loại thú, 70 loài chim, trong đó có 2 loài cò lạo Ấn Độ, điên điển là những loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam”. Chỉ nghe qua vài lời giới thiệu từ cô Nguyễn Bích Dung, nhân viên Chi cục Kiểm lâm huyện Tịnh Biên mà tất cả mọi người tỏ ra rất hào hứng.
Quả thật, suốt 9 ngày khảo sát, có lẽ rừng tràm Trà Sư là nơi duy nhất gieo cho chúng tôi thật nhiều ấn tượng. Một vùng không gian đậm đặc nét nguyên sơ. Những cánh rừng tràm nguyên sinh 25 tuổi, những chiếc cầu treo gập ghềnh, những con rạch thoang thoảng hương sen đồng nội và kia vô số cánh chim hoang dã đang lượn vòng như chào như đón khách phương xa. Đứng trên đài quan sát, tứ bề lộng gió, trải rộng phía dưới là sắc màu xanh mơn mởn của cây rừng, xa xa dãy núi Thiên Cấm Sơn, Ngũ Hồ Sơn, Phụng Hoàng Sơn … vươn dài ra tận chân trời.
Chúng tôi tưởng chừng trở lại thời trai trẻ khi hòa mình vào cuộc dạo chơi dã ngoại đầy lý thú. Hết tắc ráng đến đò chèo, đi bộ trong rừng rồi cuối cùng chọn bạn đồng hành cùng nhấn “pê-đan” xe đạp đôi rong ruổi đó đây. Cũng chính nhờ các phương tiện này, chúng tôi mới cảm nhận vẻ đẹp sâu lắng của cảnh quan Trà Sư qua từng địa hình, góc rừng, bàu sen, con rạch, đường làng.
Và trên hết, hiểu được sự nỗ lực phát xuất từ cái tâm của những người lính bảo vệ rừng. Bởi thế không phải ngẫu nhiên khi ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, đã tỏ ý khen ngợi và phát biểu trước cuộc hội thảo nhân dịp “Mekong Festival 2006” tại An Giang: “Các khu du lịch trong vùng nên đến tham quan, học tập mô hình tổ chức du lịch sinh thái của Trà Sư, vì đây là mô hình rất đúng đắn, cần nhân rộng”.
Trở lại với đề tài “Du lịch ĐBSCL, bao giờ tăng tốc?”, có lẽ phải giải quyết được vấn đề du lịch sinh thái đúng nghĩa, đầu tư những sản phẩm giải trí độc đáo trên nền bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái, vùng ĐBSCL mới hấp dẫn và giữ chân du khách.
TRẦN THẾ DŨNG
(Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ)