Dự thảo sửa đổi một số quy định về bảo hiểm y tế: Không ổn!

KIM LIÊN
Dự thảo sửa đổi một số quy định về bảo hiểm y tế: Không ổn!

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Bộ Y tế đang dự thảo sửa đổi một số quy định trong Nghị định 63/CP về bảo hiểm y tế (BHYT) để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHYT và giải quyết những vướng mắc cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, dự định này đang làm nhiều cơ sở y tế lo lắng.

Tăng mức đóng: không căn cơ

Dự thảo sửa đổi một số quy định về bảo hiểm y tế: Không ổn! ảnh 1

Việc áp mức trần thanh toán tại quận huyện sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị (ảnh: bệnh nhân nằm ngoài hành lang ở Trung tâm Y tế huyện Củ Chi, TPHCM).

Theo đại diện Ban giám định BHYT Việt Nam, việc sửa đổi sẽ nhằm vào một số nội dung chính gồm: tăng mức đóng BHYT, bãi bỏ quy định người bệnh cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh (KCB) và giới hạn chi phí của các cơ sở y tế tuyến 2 (có thể áp dụng mức trần thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho cơ sở y tế tuyến 2).

Cả 3 vấn đề trên, theo các cơ sở y tế, nếu không có những nội dung khác phụ trợ thì có nhiều điều không ổn.

BS Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc BV Nhân dân 115, nhận định: Tăng thu phí của đối tượng bảo hiểm là hợp lý, đặc biệt là với đối tượng BHYT tự nguyện (BHYTTN) với mức phí đóng hiện nay là 120.000 đồng/năm rất thấp so với thực tế sử dụng. Tuy nhiên sẽ là bất cập nếu chúng ta tăng mức đóng BHYT trong khi đại đa số đối tượng mua bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN) hiện nay là người nghèo, cán bộ hưu trí, thu nhập có hạn. Thay vì cách làm này, tại sao BHXH không tính đến giải pháp tăng thu căn cơ hơn là mở rộng đối tượng, thành phần tham gia BHYT, phải coi BHYT là công cuộc xã hội hóa, huy động toàn xã hội tham gia với mục tiêu lấy đa số phục vụ cho thiểu số.

BS Đỗ Hoàng Giao, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cũng cho rằng: Tăng mức đóng BHYT chỉ là giải pháp thứ yếu khi thực tế ở Việt Nam hiện nay chỉ có một bộ phận người dân (đa số là người đã có bệnh) tham gia BHYTTN, cái chính là làm sao để dùng cộng đồng người khỏe bao bọc cho người ốm.

Hiện nay, chúng ta làm rất yếu khâu này khi còn một bộ phận rất lớn những khách hàng tiềm năng như: các tiểu thương ở chợ, lao động ở các doanh nghiệp nhỏ, người lao động tự do… chưa ý thức được việc mua BHYT. BHXH nên tính đến việc áp dụng nhiều mệnh giá thẻ, thâm niên của người mua BHYT; mệnh giá càng cao, thâm niên càng lâu thì quyền lợi càng lớn.

Nên bỏ việc áp mức trần thanh toán

Nhiều trung tâm y tế quận huyện (cơ sở y tế tuyến 2) đã không khỏi “nhảy dựng” lên vì dự kiến áp mức trần thanh toán chi phí KCB ở cơ sở y tế tuyến 2. Bác sĩ Phạm Bảo Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, than thở: Trước đây, khi áp dụng mức khoán 90% trên tổng giá trị đầu thẻ tham gia tại đơn vị KCB tuyến 2 thì ngoài việc KCB tại chỗ, chúng tôi còn phải gánh luôn chi phí cho những trường hợp bắt buộc chuyển viện lên tuyến trên nên rất khổ sở vì bị bó chân bó tay. Những tưởng sẽ được “cởi trói” với việc sửa đổi này nhưng xem ra chúng tôi còn bị “siết chặt” hơn.

Bác sĩ Hoàng Sĩ Mai, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận, cũng bức xúc: Việc áp trần mức thanh toán sẽ khiến thầy thuốc luôn phải bó buộc với khoản phí BHYT, không thể thoải mái chọn lựa giải pháp tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân. Nếu cứ phải băn khoăn vì chuyện tiền bạc thì thay vì một phác đồ tối ưu, các bác sĩ sẽ phải chọn phác đồ điều trị bình thường với các loại thuốc vừa với chi phí mà BHYT đưa ra. Hiện nay, giữa tuyến 1 và tuyến 2 còn chênh lệnh nhau về danh mục phân tuyến kỹ thuật.

Danh mục thuốc của tuyến 1 được xài rộng hơn, nhiều hơn tuyến 2 vì vậy mặc dù trong khả năng mình có thể điều trị nhưng danh mục thuốc không cho phép thì vẫn phải chuyển bệnh nhân lên tuyến 1. Tuy nhiên, chi phí sau khi điều trị mình vẫn phải thanh toán, trường hợp này giống kiểu “tiền của mình mà người ta xài”.

Dù không thuộc cơ sở y tế tuyến 2 nhưng BS Nguyễn Quốc Khánh cũng đề nghị: Cùng một tuyến nhưng trình độ kỹ thuật, khả năng điều trị của mỗi cơ sở khác nhau, nếu áp cùng một barem thì hết sức phi lý. Tốt nhất là để cơ sở nào làm được cái gì thì thanh toán cho họ cái đó, đây cũng là cách tạo điều kiện cho người dân chọn lựa cơ sở điều trị cho mình. Việc các cơ sở ấy có làm được thật hay không đã có bộ phận giám định của BHXH, nếu không đúng thì không thanh toán.

Đồng chi trả: nên như thế nào?

Theo BS Đỗ Hoàng Giao: Đồng chi trả là một trong những vấn đề quyết định hạn chế việc lạm dụng thẻ, tăng trách nhiệm của người được thụ hưởng với cộng đồng chung. Trên thế giới, chưa có nước nào bỏ việc đồng chi trả trong khi nước ta còn nghèo mà lại đi quá sớm trong vấn đề này nên không tránh khỏi nguy cơ vỡ quỹ.

Tuy nhiên, việc trở lại đồng chi trả ở mức nào, theo BS Nguyễn Quốc Khánh thì tốt nhất nên tổ chức diễn đàn giữa 3 đối tượng trực tiếp: người thụ hưởng BHYT, cơ quan BHXH và cơ sở y tế để đưa ra những ý kiến thống nhất.

KIM LIÊN

 

Tin cùng chuyên mục