Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII

Đưa bức xúc của người dân lên diễn đàn Đại hội Đảng

Đưa bức xúc của người dân lên diễn đàn Đại hội Đảng

Trong ngày làm việc thứ hai của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII, 7-12, các đại biểu đã thảo luận về nội dung dự thảo Báo cáo chính trị. Ngoài kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VII, bàn về phương hướng, chỉ tiêu phát triển, các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2006-2010, các ý kiến tập trung những vấn đề cụ thể trong công tác xây dựng Đảng, quản lý đô thị. Những bức xúc của người dân đã được đưa lên diễn đàn đại hội và buổi thảo luận tổ.

  • Quy hoạch tùy tiện, chắp vá: phải chấm dứt triệt để
Đưa bức xúc của người dân lên diễn đàn Đại hội Đảng ảnh 1

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận tổ.

Đại biểu Đổng Thị Kim Vui, Đảng bộ quận Tân Phú nhận định: Trước tốc độ đô thị hóa chóng mặt trong những năm qua, các cấp chính quyền TP dường như bị đặt vào tình thế không quản lý nổi. Nhiều vấn đề gay gắt trong quy hoạch, định hướng phát triển đô thị chậm được giải quyết, làm cho bộ mặt của nhiều khu vực trở nên chắp vá, lộn xộn và đi ngược lại xu thế phát triển của một đô thị hiện đại. Tình trạng này khiến người dân rất bức xúc.

“Ngay đầu nhiệm kỳ này, chúng ta phải có hẳn một chương trình thật cụ thể về quy hoạch đô thị và quản lý đô thị đến tận các khu dân cư. Chấm dứt triệt để sự tự phát trong quy hoạch và xây dựng. Xử lý thật nghiêm những ai cố tình vi phạm các quy định về trật tự đô thị, quy hoạch phát triển đô thị của TP” – đại biểu Kim Vui đề nghị.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đặng Văn Cường, Đảng bộ quận Tân Bình, bổ sung: Quy hoạch đô thị của TP phải được xác định thành một chiến lược dài hơi 15-20 năm, chứ không thể chắp vá, theo kiểu “tình thế”, sau đó lại điều chỉnh như hiện nay. Mặt khác, để giảm mật độ dân tập trung quá đông vào các quận trung tâm, những vùng nào đã được quy hoạch thành đô thị vệ tinh thì khẩn trương triển khai để phát huy tác dụng trong phát triển đô thị – từ đó dần xóa bỏ khái niệm đô thị trung tâm và mở ra không gian đô thị đa trung tâm, đa chức năng theo hướng hiện đại, giảm sự tác động do phát triển đô thị gây ra.

Làm rõ hơn tình trạng quy hoạch tùy tiện hiện nay, đại biểu Trần Hồng Tâm, Đảng bộ Tổng Công ty Bến Thành đưa ra hình ảnh: Một căn nhà hôm nay quy hoạch là 5 tầng, ngày mai có thể sẽ được duyệt là 7 tầng, vài hôm nữa vì “thương tình” sẽ lên tới 10-11 tầng. Đấy chính là sản phẩm của “phân cấp” trong quy hoạch. Theo đại biểu Trần Hồng Tâm, quy hoạch tổng thể của TP có vai trò rất quan trọng đến sự phát triển của TP, nên thành phố phải bao quát, chứ không thể phân cấp về quận, huyện như hiện nay, không phải TP “ôm đồm” mà yêu cầu đặt ra là phải như thế. Thành phố cần các nhà chuyên môn có đầu óc về quy hoạch, cán bộ phường, quận hiện nay không thể đảm đương được trách nhiệm này.

  • Chống ngập nước: Vì sao xóa điểm này lại “mọc” điểm khác?
Đưa bức xúc của người dân lên diễn đàn Đại hội Đảng ảnh 2

Các đại biểu đóng góp ý kiến trong buổi thảo luận tổ tại Đại hội Đảng bộ TPHCM.

Việc thực hiện các chương trình, công trình trọng điểm, trong đó có chương trình chống ngập nước nội thị trong mùa mưa được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Trần Quang Phượng, Đảng bộ Sở Giao thông-Công chính cho rằng, việc thực hiện xóa ngập cho 61 điểm trong thời gian qua mới chỉ có tác dụng cải thiện một phần tình trạng ngập nước trong nội thị vào mùa mưa…

Một trong những nguyên nhân khiến xóa xong điểm này lại phát sinh điểm ngập khác là do chưa có cốt xây dựng chuẩn. Tình trạng san lấp tràn lan từ nhiều năm trước đây đã giảm thiểu năng lực tiêu thoát nước tự nhiên, gây úng ngập cục bộ. Việc triển khai rất nhiều công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, khu đô thị mới và các khu dân cư với mạng lưới tiêu thoát nước thải, nước mặt chưa theo một quy hoạch chung nào đã làm tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường nước ở TP thêm trầm trọng.

Theo đại biểu Trần Quang Phượng, để thực hiện chương trình này, một trong những việc quan trọng là cần nhanh chóng hoàn thành và phê duyệt quy hoạch thoát nước chi tiết các lưu vực trên địa bàn. Bên cạnh đó, phải bảo đảm thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA về cải thiện môi trường nước, tiêu thoát nước đô thị ở TP. Hệ thống mạng cống thoát nước cấp 2, 3 hiện hữu cần được nâng cấp, chỉnh trang, phát triển đồng bộ và đúng quy hoạch tại các khu đô thị mới, các khu dân cư phát triển. Phải tăng cường công tác nạo vét cống rãnh trước mùa mưa, thực hiện hình thức khoán và đấu thầu trong duy tu, nạo vét cống rãnh.

Đề cập đến vấn đề môi trường, đại biểu Võ Dũng, Đảng bộ Tổng Công ty Cấp nước TP, cho rằng, TPHCM có một mối quan hệ rất quan trọng với các địa phương lân cận, nhất là về môi trường, do tác động bởi hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. “Thử hỏi nếu hai con sông này xảy ra ô nhiễm, cạn kiệt, nhiễm mặn, thay đổi dòng chảy… thì không biết mức độ ảnh hưởng của nó đến đời sống và sinh hoạt của hàng triệu người dân TP sẽ như thế nào. Sông Mêkông có hẳn một ủy ban chuyên nghiên cứu và đưa ra những dự báo về tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển của các vùng đất mà nó chảy qua; sông Đồng Nai và sông Sài Gòn cũng phải có một chương trình hay một cơ quan phối hợp nào đó để bảo vệ và dự báo những thay đổi tác động đến sự phát triển đô thị của TP”.

Chính vì vậy, đại biểu Võ Dũng cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, TP cần xây dựng hẳn một chương trình liên kết với các địa phương như: Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước để bảo vệ hai con sông này. Đây phải được coi là một giải pháp trong phát triển đô thị gắn với môi trường tự nhiên.

  • Đảng viên: không thể sống ”khép kín”

Trước tình hình cán bộ đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống có chiều hướng gia tăng, đại biểu Nguyễn Thị Hiền, Đảng bộ khối chính quyền TP, đề nghị cần cải tiến phương pháp lấy ý kiến đánh giá đảng viên đương chức đang sinh sống trên địa bàn dân cư theo Quy định 76 của Bộ Chính trị.

Hiện nay, tình trạng đảng viên đương chức có lối sống khép kín và ít quan hệ với địa phương còn khá phổ biến. Không ít đảng viên chưa gương mẫu chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước và quy ước cộng đồng từ đó dẫn đến kinh doanh trái phép, sống xa hoa, gia đình bất hòa với lối xóm, nuông chiều con cái dẫn đến hư hỏng…

Thực tế này khiến người dân rất bất bình. Vì sao như vậy? Một trong những nguyên nhân là do chưa có cơ chế quan hệ rõ ràng của đảng viên đương chức với chi bộ khu phố nên chi bộ ít có cơ sở để nhìn nhận, đánh giá chính xác. Phần lớn bí thư chi bộ khu phố ngại đánh giá đảng viên đương chức. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hiền, khi không nắm rõ đảng viên đương chức mà phải nhận xét về họ thì “quả là hình thức, mất thời gian mà không hiệu quả”.

Một đại biểu ở Đảng bộ quận 10 đồng tình với nhận xét trong bản kiểm điểm của BCH Đảng bộ TPHCM khóa VII: “Ý thức tổ chức kỷ luật của một số đồng chí Thành ủy viên trong việc chấp hành các quy định về sinh hoạt chưa nghiêm, không dự đầy đủ các hội nghị Thành ủy, ít đi cơ sở, chưa hoàn thành nhiệm vụ phân công”. Đại biểu này đề nghị, đại hội “cần công khai danh tánh những trường hợp trong diện trên để đại biểu có thêm thông tin và cân nhắc khi bỏ phiếu bầu nhân sự BCH Đảng bộ TP khóa VIII”. 

NHÓM PVCT 

 

Tin cùng chuyên mục