Đưa cuộc sống của người dân sang trạng thái ''bình thường mới''

TPHCM bắt đầu bước sang giai đoạn tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Ngày 30-9, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về những ưu tiên trọng tâm mà thành phố sẽ thực hiện trong giai đoạn tới, nhất là các vấn đề tác động đến đời sống người dân, doanh nghiệp. 
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê

Từng bước nới lỏng

- PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, TPHCM đã trải qua hơn 4 tháng ứng phó với đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19. Trong hành trình chưa có tiền lệ đó, thành phố đã đạt được những kết quả nào?

* Đồng chí PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ: Trong hơn 4 tháng qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM đã trải qua một cuộc chiến chưa có tiền lệ khi ứng phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Thời gian qua, TPHCM đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, tích cực Nghị quyết số 86 của Chính phủ và Nghị quyết số 05 ngày 15-9 của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 8. Công tác phòng chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Hệ thống y tế được củng cố. Số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm. Tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 45% được tiêm mũi 2. Thành phố cũng đảm bảo an sinh xã hội, cung ứng hàng hóa, chăm lo cho người dân. Ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng chống dịch được nâng cao…

Kết quả bước đầu TPHCM đạt được là nhờ sự đồng lòng chung sức của Đảng bộ, chính quyền và từng người dân thành phố với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, của bộ ngành Trung ương và sự hỗ trợ của các tỉnh thành cùng kiều bào ở nước ngoài và đồng bào cả nước. Tất cả đã đồng cam cộng khổ, cùng chung lưng đấu cật dìu nhau bước qua giai đoạn đỉnh điểm căng thẳng của đợt dịch, từng bước kiểm soát được dịch Covid-19.  

- Đâu là những ưu tiên trọng tâm của TPHCM trong phòng chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố từ ngày 1-10? 

 * Chúng ta cần lưu ý rằng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM vẫn còn phức tạp. Số ca mắc mới, số ca bệnh đang điều trị tại nhà và tại cơ sở y tế, tỷ lệ chuyển bệnh nặng do có bệnh nền tuy có chuyển biến tốt nhưng vẫn tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 của TPHCM còn chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của TPHCM phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng. Trong bối cảnh như thế, TPHCM bắt đầu bước sang giai đoạn tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 86 và phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ. Thành phố triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “an toàn là trên hết”, “an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. Do vậy, việc bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân là trên hết đòi hỏi các biện pháp, chiến lược phòng chống dịch và phục hồi kinh tế phải căn cứ vào khoa học, thận trọng đánh giá tổng thể, phù hợp với tình hình và có lộ trình triển khai thật cụ thể.

Từ 18 giờ ngày 30-9, TPHCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với tình hình dịch bệnh và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ưu tiên trọng tâm của TPHCM là kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất trong điều kiện có thể; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. Đồng thời, thành phố từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ, khôi phục sản xuất; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân TPHCM. Thành phố bám sát tình hình thực tiễn để xem xét áp dụng biện pháp phù hợp. Thành phố đang nỗ lực đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái “bình thường mới”. 

Đưa cuộc sống của người dân sang trạng thái ''bình thường mới'' ảnh 2 Ngày 1-10, lưu thông trên đường Nguyễn Tri Phương đã bắt đầu đông đúc trở lại. Ảnh: Dũng Phương

Đảm bảo an sinh, vaccine cho người dân

 - Một câu hỏi người dân rất quan tâm là tới đây sẽ được làm gì và chưa được làm gì?

* Người dân cần thực hiện nghiêm 5K. Đặc biệt, phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TPHCM. Trường hợp đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo quy định. 

Trong phạm vi TPHCM, thành phố gỡ bỏ các chốt kiểm soát và người dân không sử dụng giấy đi đường. Người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động). Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: 1- là F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; 2- đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với vaccine yêu cầu tiêm 2 mũi và sau 14 ngày) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Tôi xin nói rõ, việc nới lỏng giãn cách trên địa bàn TPHCM là thực hiện từng bước, các hoạt động mở lại theo lộ trình chứ không phải thực hiện ồ ạt. Thành phố đang từng bước mở cửa các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở ăn uống; các hoạt động cắt tóc, gội đầu; văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch, nghỉ dưỡng; hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng...  Như thế, sinh hoạt của người dân đang dần bước sang trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, TPHCM tiếp tục tạm dừng một số hoạt động và người dân cần tuân thủ chấp hành, chưa mở lại, chưa tham gia các hoạt động này. 

- Thời gian qua, rất nhiều người lao động về quê hoặc người TPHCM còn “mắc kẹt” tại các tỉnh, thành. TPHCM tạo điều kiện như thế nào cho người dân quay lại thành phố?

 * TPHCM đang từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang có nhu cầu tuyển lao động để tái sản xuất. Nhu cầu lao động của TPHCM trong giai đoạn “bình thường mới” là rất lớn. TPHCM đã trao đổi với các tỉnh, thành trong cả nước và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận để đưa người lao động trở lại TPHCM đảm bảo an toàn. Người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đưa người lao động trở lại TPHCM cần đăng ký với Sở GTVT TPHCM để được hỗ trợ các thủ tục. Các địa phương đều có chốt kiểm soát phòng chống dịch ở vùng giáp ranh và trường hợp không bảo đảm an toàn về phòng chống dịch sẽ không được qua chốt. Người dân cần hết sức lưu ý việc này để đảm bảo sức khỏe bản thân và an toàn phòng chống dịch. 

- Người dân ở TPHCM đã trải qua một thời gian dài giãn cách, đời sống còn nhiều khó khăn và trước mắt chưa thể hồi phục ngay “sức khỏe” kinh tế, công ăn việc làm. TPHCM có sự chăm lo, đảm bảo an sinh ra sao đối với người dân?

 * Thành phố đã trải qua nhiều cấp độ giãn cách xã hội, tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những hy sinh, mất mát, những khó khăn, bất tiện của người dân trong đại dịch. TPHCM đang triển khai hỗ trợ đợt 3. Nguồn ngân sách thành phố dự toán kinh phí hơn 7.347 tỷ đồng cho đợt hỗ trợ này, hướng tới chăm lo cho 7,3 triệu người có hoàn cảnh thật sự khó khăn đang có mặt tại TPHCM. Thành phố đang xây dựng chính sách hỗ trợ cho trẻ mồ côi và cho người già neo đơn do dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục có giải pháp cải thiện chất lượng đời sống và nỗ lực bao phủ vaccine mũi 2 tới người dân.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí! 

Tin cùng chuyên mục