Đưa cuộc sống vào nghị quyết thì nghị quyết mới đi vào cuộc sống

Đưa cuộc sống vào nghị quyết thì nghị quyết mới đi vào cuộc sống

Ở quận 3, chúng tôi rút ra được bài học kinh nghiệm : muốn đưa nghị quyết đi vào cuộc sống thì phải đưa cuộc sống vào nghị quyết…

  • Nghị quyết phải xuất phát từ thực tế

Việc các cấp ủy quận 3 đề ra chủ trương, nghị quyết xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân và sát thực tế đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Song không phải nghị quyết nào cũng đạt được kết quả như mong muốn. Chẳng hạn, khi đề ra mục tiêu xây dựng 1.000 căn hộ chung cư trong nhiệm kỳ 2001-2005, do khảo sát chưa kỹ nên cuối năm 2005, quận 3 chỉ đạt 800 căn.

Đưa cuộc sống vào nghị quyết thì nghị quyết mới đi vào cuộc sống ảnh 1

Nhiều con hẻm ở quận 3 được mở rộng nhờ sự đồng thuận và đóng góp của người dân. Ảnh: Đ.V.D.

Chính vì vậy, ngay sau Đại hội Đảng bộ quận xong, quận đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở khi xây dựng chương trình hành động nhất thiết phải có khảo sát cụ thể, phải đảm bảo được các yêu cầu: dễ nhớ, dễ làm và dễ kiểm tra. Ví dụ, quận 3 yêu cầu các Đảng bộ phường khi đề ra nghị quyết nâng cấp hẻm thì phải cụ thể ở những hẻm nào, bao nhiêu mét, kinh phí bao nhiêu và ở đâu, phân kỳ thực hiện như thế nào…

Ở quận 3 vẫn còn tình trạng cấp trên ban hành văn bản gì thì mình cũng có văn bản đó, có khi giống cả thể loại và nội dung. Điều này thể hiện năng lực lãnh đạo còn hạn chế và chưa phát huy được trí tuệ tập thể.

Vì thế chúng tôi thấy việc nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy trước hết là phải xác định đúng và chính xác nhiệm vụ chính trị của địa phương; xác định việc chuẩn bị và ra nghị quyết, chủ trương phải phù hợp với đường lối và phù hợp thực tế địa phương. Khi đã có nội dung lãnh đạo đúng thì điều quan trọng và quyết định là phải có phương pháp lãnh đạo khoa học để tổ chức thực hiện và đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Đây chính là yếu tố quan trọng hay nói cách khác đó là năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện của Đảng bộ địa phương. Ở nhiều cấp ủy Đảng bộ quận 3, việc tổ chức thực hiện vẫn còn là khâu yếu. Lãnh đạo chưa đề ra các giải pháp, thiếu kiểm tra thường xuyên việc thực hiện nghị quyết, còn thụ động, chủ quan, sợ trách nhiệm nên có những nghị quyết thực hiện rất chật vật, dẫn đến một số chỉ tiêu không hoàn thành.

  • Nền có vững thì gốc mới bền

Từ thực tế đó, quận 3 xác định phải tập trung đổi mới phương pháp lãnh đạo của cấp ủy. Phương pháp lãnh đạo ở đây là cơ chế vận hành của cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là phong cách, là lề lối làm việc. Phương thức lãnh đạo có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào bộ máy tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị.

Sức chiến đấu của một cấp ủy hay của một tổ chức Đảng trước hết phải bắt nguồn từ một đội ngũ có tâm huyết và có năng lực tổ chức thực hiện. Đội ngũ cán bộ phường ở quận 3 tuy có tâm huyết nhưng trình độ học vấn thấp hơn nhiều so với cán bộ ở các ngành của quận. Vì thế, thời gian qua, quận đã tuyển chọn hơn 20 sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại phường.

Nhiều em đảm đương nhiệm vụ phó chủ tịch phường, tham gia cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2005-2010. Nhưng đó mới chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài thì phải có sự đầu tư đúng mức, đồng bộ bằng những chính sách, giải pháp cụ thể để thu hút người tài. Chăm lo giữ gìn đội ngũ cán bộ không bị sa ngã cũng là việc làm hết sức quan trọng.

Đầu nhiệm kỳ 2005-2010, quận 3 phát cho các đảng viên “Sổ đăng ký tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức” để đăng ký trước chi bộ những mặt yếu cần phấn đấu của mình, tạo cơ sở cho chi bộ giám sát chặt chẽ quá trình công tác, phấn đấu cũng như lối sống của đảng viên.

Thí điểm bước đầu cho thấy, chủ trương này mang lại hiệu quả khá tốt vì ít ra, đảng viên khi đăng ký sửa chữa thiếu sót là họ đã phải nhớ lời đăng ký của mình và tự răn mình. Chúng tôi coi cán bộ là cái nền, mà nền có vững thì gốc mới bền. 

THÂN THỊ THƯ
(Bí thư Quận ủy quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục