Từ nhiều năm nay, TPHCM luôn quan tâm đến bà con ở vùng sâu, vùng xa, thường xuyên điều động các đơn vị nghệ thuật về biểu diễn phục vụ miễn phí. Nếu thực hiện tốt điều này, chẳng những mang lại giây phút thư giãn sảng khoái cho bà con mà qua các suất diễn còn giúp ích cho cả diễn viên, nhà hát trong việc quảng bá, tiếp thị hình ảnh. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy.
Buồn vui những suất diễn
Mới đây, trong hành trình theo chân Nhà hát Kịch TPHCM đến huyện Nhà Bè biểu diễn phục vụ bà con vui tết với chương trình hài kịch ngắn có kèm theo ca nhạc, chúng tôi được chứng kiến một đêm diễn mà theo nhiều khán giả nhận xét là không mấy ấn tượng. Mở đầu đêm diễn là tiếng hát của những ca sĩ trẻ lạ hoắc, có người còn vừa ca vừa cười đùa hát chẳng rõ chữ nên không thể mang lại làn gió mới cho bà con vui xuân. Sau đó, nhà hát giới thiệu hài kịch Đụng độ với phần tham gia biểu diễn của Diễm Trinh, Hoàng Duẩn và những học viên của đơn vị.
Đành rằng, việc tạo cơ hội cho các học viên được tiếp cận với khán giả là cần thiết nhưng trong một vở diễn với đa phần là các học viên chuyên môn chưa cao lại phải đảm nhận các vai diễn là quá sức. Khi xem Đụng độ, khán giả cảm thấy đáng tiếc cho một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của TP chứ chẳng thể nào cười nổi. Càng về cuối, khán giả chỉ còn lèo tèo vài người. Mặc dù đây là vở diễn từng được dàn dựng, biểu diễn tại rạp hát Công Nhân với dàn diễn viên Bảo Trí, Vũ Thanh, Thanh Tùng, Thu Trang, Tiến Luật… và rất “hút” khán giả.
Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa vào lúc 19 giờ 30 mùng 2 Tết ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, sân khấu trình diễn lại nằm sâu trong đồng vắng, ít người qua lại. Chính vì thế, khi đến giờ mở màn, chẳng có khán giả nào tới xem. Chương trình đành hoãn lại. Sau sự khởi đầu chẳng mấy vui vẻ ấy, những ngày sau, các nghệ sĩ của nhà hát vẫn tiếp tục hành trình đến các địa phương: Trung Mỹ Tây (Hóc Môn), Quy Đức, Phong Phú (Bình Chánh)… biểu diễn. Mỗi lần đi diễn phục vụ, nhà hát quy tụ 7 anh em hậu đài và 30 nghệ sĩ cùng tham gia.
Nghệ sĩ Ngọc Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM tâm sự: “Mỗi khi đi diễn phục vụ, miễn sao được gặp nhiều khán giả thân thương là vui lắm rồi”. Theo nghệ sĩ Ngọc Nga, mỗi lần đi diễn ở vùng sâu, vùng xa, diễn viên đóng vai chính được bồi dưỡng 100.000 đồng, còn những người đóng các vai nhỏ chỉ được lĩnh 45.000 đồng. Nếu hôm nào điểm diễn cách xa đường lớn, diễn viên không thể đi xe lớn của nhà hát vào được, phải đi xe máy tự túc, phải tốn thêm tiền xăng thì số tiền thực chất được hưởng càng ít thêm.
Tồn tại hay không tồn tại?
Từ thực tế trên, rõ ràng việc đưa nghệ thuật phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa cũng cần phải được điều chỉnh sao cho hợp lý, hiệu quả. NSƯT Hoa Hạ từng trăn trở về việc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp có nên tiếp tục đưa nghệ thuật về vùng sâu, vùng xa biểu diễn nữa hay không? Bởi theo NSƯT Hoa Hạ, một khi các nhà hát đi biểu diễn phục vụ, chắc chắn điều kiện sân khấu, phông màn, cảnh trí, ánh sáng, âm thanh… không thể nào đạt chất lượng bằng ở rạp hát.
Chưa kể, khi đi biểu diễn phục vụ, đa phần các đơn vị nghệ thuật đưa các chương trình, vở diễn cũ phục vụ bà con, hiếm khi có những cái mới để xem. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng năm, TP chi hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật công lập biểu diễn phục vụ bà con với số tiền tỷ chứ không phải ít. Chỉ tính riêng trong quý 1-2012, số kinh phí dự trù chi hỗ trợ cho các đơn vị đưa nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa là 857 triệu đồng.
| |
Đỗ Hạnh