Đưa nhà ở xã hội đến đúng đối tượng

Trong bối cảnh các loại hình bất động sản khác đang chững lại do những lý do khách quan và chủ quan, thì nhà ở xã hội vẫn hút khách và bị đầu cơ. Thực tế tại nhiều địa phương trong cả nước, có nhiều dự án nhà ở xã hội đã được duyệt bán “nhầm đối tượng”, sang nhượng trái phép. 
Dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) thu hút sự quan tâm của người thu nhập thấp do vị trí đắc địa, giá hợp lý. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) thu hút sự quan tâm của người thu nhập thấp do vị trí đắc địa, giá hợp lý. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Lợi nhuận lớn từ chênh lệch giá 

Thông tin về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác xét duyệt, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2 (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đang được dư luận quan tâm bàn luận.

Trong quá trình thực hiện công tác xét duyệt, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng và Liên doanh DMC-579 (chủ đầu tư) đã duyệt bán căn hộ với một số hồ sơ không có giấy tờ chứng minh đúng đối tượng; xét duyệt cho các đối tượng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội (đã sở hữu nhà ở, chịu thuế thu nhập cá nhân).

Trong 324 trường hợp được mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội này, Thanh tra TP Đà Nẵng phát hiện 24 trường hợp đã có nhà trên đất; 11 trường hợp có 2 thửa đất trở lên; 42 trường hợp có một thửa đất.

Tại tỉnh Bình Định, hiện rộ lên thông tin nhiều người mua nhà ở xã hội tại cao ốc Long Thịnh và chung cư Phú Mỹ - Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) đang rao cho du khách thuê homestay. Trong thời gian gần đây, chuyện cư dân chung cư Phú Mỹ - Quy Nhơn than không có chỗ để ô tô đã khiến nhiều người sửng sốt: Sao lại có đến hơn 50% cư dân ở một chung cư nhà ở xã hội sở hữu ô tô? Điều đó chứng tỏ các hộ này là thành phần dân cư khá giả, đồng nghĩa với việc có sự trục lợi chính sách.

Lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Phú Mỹ - Quy Nhơn (chủ đầu tư) đã giải trình rằng do nhiều người được mua nhà ở xã hội nhưng rồi sang nhượng, cho thuê trái phép mà không bị xử lý, nên chỉ sau một thời gian ngắn, hoạt động mua bán nhà ở xã hội tại đây rộ lên trở lại. Lợi nhuận từ việc sang nhượng nhà ở xã hội đến gấp 3 lần so với giá mua ban đầu, nên nhiều người dù biết vi phạm quy định vẫn làm. 

Tại TPHCM, các chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp khá toàn diện, thành phố đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách để phát triển quỹ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn trên địa bàn. Tình trạng sang nhượng, mua bán trái phép nhà ở xã hội xảy ra nhiều.

Ngăn chặn việc trục lợi chính sách 

Theo luật định, nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn ngoài ngân sách thì người mua, thuê mua chỉ được bán hoặc thế chấp sau 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Trường hợp trong thời hạn chưa đủ 5 năm thì chỉ được thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó. Trường hợp bán lại thì chỉ được bán cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định, với giá bán không được vượt quá giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán. 

Thế nhưng, thực tế việc rao bán nhà ở xã hội đã diễn ra một cách công khai trên nhiều website bán bất động sản. Đơn cử như tại trang batdongsan.com, lượng thông tin rao bán căn hộ nhà ở xã hội rất lớn. Nhu cầu mua nhà ở xã hội của người đúng đối tượng cần nhà ở là rất lớn, song họ chưa tiếp cận được.

Trong khi, với việc khoác áo người thu nhập thấp để được mua nhà ở xã hội với giá vài trăm triệu đồng rồi bán lại thu tiền tỷ, một số đối tượng đã trục lợi hàng trăm triệu đồng mỗi căn hộ nhà ở xã hội.

Dù quy định về mua bán, sử dụng nhà ở xã hội khá chặt chẽ, nhưng do người mua và người bán tự thỏa thuận ngầm với nhau, chấp nhận rủi ro, nên cơ quan chức năng rất khó quản lý. Nếu phát hiện vi phạm cũng chỉ dừng lại ở mức thu hồi và bán lại cho người có nhu cầu.

Để người thu nhập thấp có thể tiếp cận được với chính sách hỗ trợ về nhà ở nhằm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, cùng với việc khắc phục những kẽ hở trong việc quản lý nguồn nhà ở xã hội hiện nay, nên có những giải pháp tháo gỡ những bất cập.

Cụ thể như: có quy hoạch, kế hoạch bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách đủ sức thu hút được doanh nghiệp đầu tư nhiều dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà lưu trú cho công nhân. Trên cơ sở đó, chuyển hẳn từ cơ chế xin - cho sang cơ chế phục vụ để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được với chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với nhà ở xã hội.

Tin cùng chuyên mục