Đưa sách đến trẻ nghèo bản xa

Từ những chuyến đi thực tế đến vùng sâu vùng xa, nhận thấy trẻ em nơi đây ít có cơ hội tiếp cận với văn hóa đọc, nhiều năm qua các bạn trẻ trong nhóm “Chủ nhật yêu thương” tại TPHCM đã đưa sách đến các em nhỏ ở những bản làng vùng cao.

Nhóm “Chủ nhật yêu thương” gồm 1.000 tình nguyện viên, do anh Nguyễn Tú Anh (phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TPHCM) thành lập được hơn 5 năm qua, hướng đến mục tiêu năm 2020 sẽ xây dựng được 1.001 thư viện sách phục vụ miễn phí cho trẻ em nghèo, tập trung chủ yếu ở những vùng khó khăn, nơi xa xôi, hẻo lánh nhất trên khắp cả nước.

Anh Nguyễn Tú Anh chia sẻ: “Trẻ em vùng cao thiếu thốn, thiệt thòi về mọi mặt. Các em rất ham học, nhưng không có cơ hội tiếp cận với nhiều loại sách hay, bổ ích. Biết vậy nên tôi đã nung nấu ý định xây dựng thư viện sách ở các điểm trường và nhà văn hóa. Nguồn sách chúng tôi tìm mua nhiều nhất là sách lịch sử, kỹ năng sống, văn học thiếu nhi, tư duy, doanh nhân… Giai đoạn đầu thực hiện, nhóm gặp rất nhiều khó khăn như nguồn kinh phí, số lượng đầu sách để xây dựng thư viện rất lớn, đa dạng thể loại, đòi hỏi phải có nguồn cung cấp ổn định”.

Đưa sách đến trẻ nghèo bản xa ảnh 1 Nhóm “Chủ nhật yêu thương” đã lập hàng trăm thư viện sách cho trẻ em trên khắp cả nước

Không dư dả về vật chất, nhưng suốt bao năm qua, cứ đến cuối tuần các bạn tình nguyện viên lại cùng nhau tập hợp, rong ruổi khắp các hiệu sách ở TPHCM để tìm mua những loại sách hay giá tốt, dành tặng các em thiếu nhi bản xa. Những người bán sách ở TPHCM cũng dần thân quen, hiểu được tấm lòng các bạn trẻ nên nhiệt tình cộng tác, thường xuyên thu gom, ủng hộ sách hay cho nhóm. Sách mua về được phân loại theo chủ đề, đóng thùng và gửi đến những địa điểm cần xây dựng thư viện.

Tiêu chí nhóm đặt ra không phải là số lượng sách nhiều mà quan trọng là đầu sách phải đa dạng, nội dung hay, bổ ích và phù hợp lứa tuổi, tạo được sự thích thú cho các em khi đọc. Mỗi cuốn sách dù mới hay cũ đều được cả nhóm nâng niu, bởi đó là thành quả của cả tập thể cùng chung tay đóng góp.

Bạn Huỳnh Thị Hoa (một tình nguyện viên của nhóm) tâm sự: “Mình đã từng trải qua những chuyến đi tình nguyện ở vùng cao, băng qua những con đường chông chênh, nhìn thấy các em tại đây còn thiếu thốn về mọi mặt mà nét mặt vẫn hồn nhiên vui vẻ, lại thích đọc sách, ham học hỏi. Nhóm gửi tặng sách chính là gửi tặng tri thức đến các em, tiếp thêm nhiều ước mơ và hy vọng về một tương lai tươi đẹp ở phía trước”.

Sau 5 năm triển khai dự  án, bước đầu nhóm đã xây dựng được 450 thư viện (ước tính khoảng 1 triệu cuốn sách) ở 50 tỉnh thành trên khắp cả nước, từ vùng núi Tây Bắc xa xôi đến các tỉnh giáp biên giới Campuchia, khu vực Đông Nam bộ; rồi đến các xã nghèo vùng cao như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước...

Không chỉ thành lập thư viện, cứ 2 tháng một lần nhóm còn tổ chức các chuyến đi thực tế, đến tận nơi, thăm hỏi và tổ chức lễ hội sách, vui chơi kết nối các bạn nhỏ và kích thích niềm đam mê đọc sách. Nhóm còn đến tận nhà, lập góc học tập cho trẻ em với mong muốn tạo không gian học tập khoa học, mang lại hiệu quả.

Tại mỗi ngôi trường nhóm dừng chân, các tình nguyện viên còn kêu gọi cộng đồng chung sức đóng góp mua sắm các thiết bị hiện đại, phục vụ cho việc dạy học như máy chiếu, máy vi tính, đàn guitar… góp phần thay đổi phương thức dạy học cho giáo viên, tạo hứng thú cho trẻ học tập, khuyến khích trẻ em đến trường.

Mang văn hóa đọc và cả tình thương yêu đong đầy trong từng trang sách đến với những em nhỏ vùng khó khăn, điều mà thành viên trong nhóm nhận được chính là tiếng cười của các em. Nhìn các em chăm chú, say mê đọc từng cuốn sách, thành viên trong nhóm cảm nhận được bao niềm hạnh phúc. Đó là động lực giúp các bạn trẻ tiếp tục duy trì hoạt động để hoàn thành dự án mang ý nghĩa xã hội này.

Tin cùng chuyên mục