(SGGPO).- Sáng nay, 5-5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng. Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công cuộc đấu tranh PCTN trong thời gian đã được các cấp, các ngành, địa phương triển khai với quyết tâm cao, có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tham nhũng vẫn là vấn đề rất bức xúc, nhức nhối trong xã hội. Hội nghị này nhằm thúc đẩy thêm một bước về công tác đấu tranh PCTN với quyết tâm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và sự mong mỏi của nhân dân.
Trình bày Báo cáo tình hình, kết quả công tác PCTN năm 2013 đến nay, đồng chí Nguyễn Bá Thanh nêu rõ: Trong năm 2013, cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, qua đó, đã thi hành kỷ luật 187 trường hợp đảng viên vi phạm. Ngành Thanh tra đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị thu hồi 354 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 10 tập thể, 104 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 26 vụ, 39 đối tượng. Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 151 cuộc kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính hơn 22.821 tỷ đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm 31 cá nhân; chuyển 06 vụ việc sang cơ quan điều tra, thanh tra; cung cấp 13 hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra và các cơ quan có thẩm quyền. Trong năm 2013, có 24 bộ, ngành, địa phương báo cáo đã tự phát hiện tham nhũng qua kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là kết quả có tiến bộ hơn so với nhiều năm trước.
Báo cáo cũng cho biết, trong năm 2013, các cơ quan điều tra đã khởi tố 275 vụ/601 bị can; Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 293 vụ/675 bị can; Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 271 vụ/566 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Tiến độ, chất lượng hoạt động điều tra các vụ án tham nhũng từng bước được đẩy mạnh. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án tham nhũng và công tác xét xử các vụ án tham nhũng bảo đảm nghiêm minh đúng quy định của pháp luật.
Các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đã tập trung điều tra, truy tố và kịp thời đưa ra xét xử 5/8 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, với mức án đủ nghiêm, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác PCTN trong tình hình hiện nay. Công tác đấu tranh chống tham nhũng yêu cầu một mặt phải xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng, đồng thời phải tích cực khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế thu hồi tài sản tham nhũng còn rất khó khăn; số lượng tài sản thu hồi đạt rất thấp (không quá 10%).
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nhận định: Qua phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng xảy ra từ trước năm 2013 cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn; phạm vi, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng; tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng ngày càng rõ nét hơn, mức độ tham nhũng lớn; một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát một lượng lớn tài sản của Nhà nước, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực; nhiều vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài phức tạp có chiều hướng gia tăng. Tình trạng tham nhũng vặt trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến.
Dự báo trong thời gian tới tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn có nhiều khó khăn, vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, nguy cơ phát sinh tham nhũng. Đáng chú ý nguy cơ phát sinh tham nhũng trong quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn như: Đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước; việc thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; vấn đề xử lý nợ xấu và hoạt động tín dụng của một số tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại; vấn đề hoàn thuế VAT...
Nguyên nhân của những hạn chế trong công tác đấu tranh PCTN, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, là giữa quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước với hành động thực tiễn của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN còn có khoảng cách, nói không đi đôi với làm. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN; việc thực thi pháp luật không nghiêm. Một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, thiếu đồng bộ, dễ bị lợi dụng để tham nhũng; một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa đầy đủ, còn có khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện hoặc chưa đủ sức răn đe đối với hành vi tham nhũng.
Bên cạnh đó, hoạt động giám định tư pháp trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng, xây dựng phục vụ công tác PCTN còn gặp khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng. Đặc biệt, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý hoặc tiêu cực, tham nhũng khi có điều kiện; do sợ mất thành tích hoặc do quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa thật rõ nên không ít người đứng đầu ngại bị quy trách nhiệm quản lý, vì vậy không tích cực hoặc không dám chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Năng lực, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác PCTN chưa đáp ứng yêu cầu của công tác PCTN trong tình hình hiện nay; hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế; thậm chí còn xảy ra tiêu cực, tham nhũng ngay trong chính các cơ quan, đơn vị này.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh các ý kiến phát biểu, thảo luận tại Hội nghị và cho biết, Hội nghị đã thống nhất khẳng định phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa mục tiêu, quan điểm và các giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI và 8 nội dung công tác PCTN nêu trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại Hội nghị này.
Về nhiệm vụ PCTN trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, cần tập trung chỉ đạo việc xây dựng hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng về PCTN; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, luật pháp về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa và đấu tranh PCTN. Kiên quyết, kiên trì xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng; và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.
Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCTN, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu giúp Đảng, Nhà nước, MTTQ có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về việc tham gia phát hiện và tố giác tham nhũng gắn liền với việc biểu dương, khen thưởng thích đáng, kịp thời những người tố giác, phát hiện; biểu dương những kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đồng thời lên án mạnh mẽ những hành vi tiêu cực, tham nhũng. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ vị trí đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đi đầu trong đấu tranh PCTN. Kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết của người cán bộ, công chức, xây dựng và tuân thủ nghiêm túc quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ. Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng danh dự, biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu, cần đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong công tác PCTN. Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN. Đây là nhân tố hàng đầu bảo đảm việc thực thi có hiệu quả công tác PCTN. Quyết tâm chính trị là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng, phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và được công khai để nhân dân biết, nhân dân giúp sức và giám sát. Một mặt, phải tự mình gương mẫu thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định về liêm khiết và kỷ luật, thực hành tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, không đặc quyền, đặc lợi, tự giác chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quan hệ gần gũi với quần chúng. Mặt khác, phải có trách nhiệm thể hiện với xã hội, với công chúng một thái độ rõ ràng, dứt khoát kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ bằng lời nói, trên giấy tờ, hô hào chung chung, mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy được trong thực tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, thời gian tới cần nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN; tăng cường giám sát và chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng lớn. Phải nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức các ngành tư pháp nói chung, đặc biệt là đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp làm công tác xử lý các vụ án tham nhũng. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đưa nội dung công tác PCTN vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm. Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra, xử lý kịp thời đảng viên có dấu hiệu tham nhũng; có hình thức xử lý các tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng về công tác PCTN. Đưa công tác PCTN thành một trong những trọng tâm công tác, một nội dung quan trọng để kiểm điểm theo định kỳ của cấp ủy các cấp. Trong năm 2014, tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số ngành, địa phương. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy thường xuyên thực hiện việc rà soát danh sách các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN để có biện pháp chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm, không để kéo dài.
Với vấn đề truyền thông báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần thông tin đúng đắn để dư luận xã hội thấy rõ những kết quả tích cực cũng như những hạn chế, yếu kém, khó khăn, phức tạp của công tác PCTN hiện nay. Qua đó, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng. Báo chí cũng khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử. Các cơ quan chức năng phải bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu. Tổng Bí thư cũng yêu cầu, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp một cách kịp thời, đúng pháp luật cho các cơ quan báo chí những thông tin liên quan đến tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, từ những kinh nghiệm của thời gian qua, với ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, tin rằng công tác PCTN trong thời gian tới sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, rõ rệt hơn nữa; tham nhũng nhất định phải được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân.
Tin và ảnh: TRẦN BÌNH
>> Phát biểu kết luận Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng