Theo Sputnik, hôm nay ngày 15-8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ họp tại thành phố Yekaterinburg của Nga để thảo luận cách tháo gỡ cuộc xung đột tại Ukraine và Syria. Do những diễn biến bất ngờ tại Crimea đang khiến quan hệ Nga - Ukraine gia tăng căng thẳng nên dư luận cho rằng trong cuộc họp này, Đức cũng sẽ đóng vai trò tháo ngòi nổ giữa Kiev và Mátxcơva.
Theo dõi sát sao
Tuần qua, căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine tìm cách kích động xung đột ở bán đảo Crimea bằng các âm mưu tấn công khủng bố. Bộ Quốc phòng Ukraine liên tục bác bỏ cáo buộc trên.
Trước những diễn biến xấu trong quan hệ giữa Nga và Ukraine và lo ngại cho kế hoạch đưa miền Đông Ukraine trở lại lộ trình ổn định bị thất bại, Đức - một trong những quốc gia có tiếng nói quan trọng trong Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ thái độ đặc biệt lo ngại về những căng thẳng liên quan đến âm mưu tấn công trên bán đảo Crimea. Bộ Ngoại giao Đức kêu gọi các bên từ bỏ đối đầu, tránh leo thang căng thẳng. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng trong bối cảnh này, các đàm phán Normandy nhằm giải quyết xung đột miền Đông Ukraine không còn ý nghĩa.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov
Theo giới phân tích, ông Frank-Walter Steinmeier nhiều khả năng sẽ đóng vai trò hòa giải trong cuộc khủng hoảng trong quan hệ ngoại giao giữa Nga và Ukraine. Đây cũng là cuộc gặp được giới chức châu Âu theo dõi sát sao bởi nó chỉ diễn ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thăm Nga thảo luận về cuộc xung đột Syria với Tổng thống Nga Putin. Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên sau rạn nứt ngoại giao bắt nguồn từ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ 1 máy bay chiến đấu Nga vào tháng 11 năm ngoái.
Phía Ukraine đang có dấu hiệu muốn hạ nhiệt căng thẳng với Nga. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tỏ rõ ý định này trong cuộc điện đàm mới đây giữa Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Biden hối thúc Tổng thống Poroshenko thực hiện phần nhiệm vụ của mình để tránh leo thang căng thẳng với Nga. Phó Tổng thống Biden cũng cho biết, Mỹ sẽ kêu gọi Nga thực hiện điều tương tự.
Gửi thông điệp đến phương Tây
Theo hãng Reuters, những đáp trả cứng rắn của ông Putin không chỉ nhằm vào nước láng giềng. Thông điệp của Tổng thống Nga cũng nhằm gửi đến phương Tây. Kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, phương Tây đã bổ sung nguồn lực lớn hơn nhiều vào việc chống lại Mátxcơva. Hầu hết trong số đó được tập trung vào việc củng cố hệ thống phòng thủ của NATO, đặc biệt là xung quanh các nước Baltic láng giềng với Nga như Estonia, Latvia và Litvia. Vì vậy, với động thái đưa hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tới biên giới sau vụ căng thẳng ở Crimea, Nga đang muốn chứng tỏ rằng, Mátxcơva có thể có bất kỳ hành động nào, bất chấp các lệnh trừng phạt.
Hiện nay, Ukraine không phải là một thành viên của NATO, điều này có nghĩa là không có một hiệp ước ràng buộc nào đối với NATO trong việc có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine khi có xung đột quân sự. Nếu có giao tranh thì NATO dù muốn cũng không thể can thiệp quân sự giúp đỡ Kiev.
Sau khi căng thẳng ở Crimea xảy ra, phía Mỹ đang yêu cầu Nga cho phép phương Tây gửi quan sát viên đến cuộc tập trận tháng 9 tới của Nga, với tuyên bố để giảm các mối lo ngại. Phía Mỹ cho rằng cuộc tập trận này thiếu sự minh bạch khi không có các quan sát viên quốc tế. Đây là cuộc tập trận quy mô lớn, có tên gọi Caucasus 2016, dự kiến sẽ diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có Crimea.
THANH HẰNG (tổng hợp)