Cuối cùng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM cũng đã đi đến kết luận điều tra vụ án liên quan đến đường dây mua bán thuốc cảm cúm chứa tiền chất ma túy Pseudoepherine HCl có liên quan đến Công ty cổ phần Dược phẩm BV Pharma.
Tuy rằng cơ quan chức năng đang đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM truy tố những bị can có liên quan, nhưng qua đây để cho thấy một lỗ hổng quá lớn trong quản lý ngành dược nói chung và quản lý các tiền chất ma túy, hướng thần nói riêng. Mặt khác, các quy định hiện hành đã tạo ra những kẽ hở mà cá nhân, tổ chức đã lách được để mua bán dược phẩm có tiền chất ma túy một cách tinh vi, nếu không nói là hình thành nên những đường dây tội phạm trong buôn bán thuốc chứa tiền chất ma túy.
Theo quy định hiện hành, buôn bán tân dược là ngành nghề có điều kiện, đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề, tư cách pháp nhân là công ty trách nhiệm hữu hạn… Thế nhưng, một số cá nhân có thể móc nối với các công ty để đứng đằng sau “giật dây” mua bán, còn các công ty thì chẳng dại gì mà không sẵn sàng đứng ra xuất hóa đơn và hưởng chênh lệch hoa hồng khi không phải bỏ tiền hay công sức ra để đầu tư.
Trong khi, nhà sản xuất cứ có đơn đặt hàng, được duyệt dự trù nguyên liệu tiền chất ma túy thì cứ sản xuất… vô tư mà không hề biết rằng thuốc mình sản xuất ra có thực sự bán rộng rãi trên thị trường cho người bệnh dùng hay phục vụ cho những mục đích tội phạm! Sự hám lợi, vô trách nhiệm, sự xem thường pháp luật của một số công ty dược đã làm “bình phong” cho các cá nhân lạm dụng tín nhiệm, mua bán thuốc có tiền chất ma túy lòng vòng và tiêu thụ một cách mờ ám.
Dư luận cũng đã không ít thắc mắc, than phiền là vì sao những năm gần đây các loại ma túy tổng hợp, ma túy “đá” ngày càng xuất hiện nhiều trong nước, và nghi vấn nguyên nhân một phần là được tinh chế, chiết xuất và tổng hợp lại tiền chất ma túy có trong một số loại thuốc tân dược, nhất là các loại thuốc trị cảm cúm. Cơ quan công an nhiều địa phương cũng đã nhiều đợt tấn công tội phạm ma túy và khám phá được những ổ nhóm, đường dây chiết xuất, tổng hợp ma túy đá từ thuốc trị cảm cúm…
Hiện, Cục Quản lý dược xét duyệt dự trù nguyên liệu Pseudoephedrine HCl cho các đơn vị sản xuất thuốc trong nước theo đúng quy định của Thông tư 11/2010/TT-BYT. Theo đó, người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm về số lượng thuốc hướng thần, tiền chất dự trù, và tiền chất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của đơn vị. Khi dự trù số lượng thuốc hướng thần và tiền chất vượt quá 50% so với số lượng sử dụng kỳ trước, các cơ sở dự trù phải nói rõ lý do. Tuy nhiên, thực tế có báo cáo dự trù và nói rõ lý do vẫn chưa được các công ty dược thông tin rõ.
Và liệu Cục Quản lý dược có giám sát xem lý do dự trù số lượng tiền chất ma túy có Pseudoephedrine HCl hợp lý, đúng nhu cầu sử dụng hay không, thành phẩm thuốc bán ra có thông thương trên thị trường không hay chỉ sản xuất ra nhằm cung ứng cho một nhóm đối tượng tội phạm thu gom và chiết xuất lại làm ma túy?
Văn phòng Chính phủ cũng đã từng có công văn chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương hướng dẫn cụ thể việc tăng cường kiểm soát, quản lý tiền chất, hóa chất, dược phẩm có liên quan đến ma túy, đặc biệt các tiền chất, hóa chất, dược phẩm mà tội phạm có thể lợi dụng để sản xuất Methamphetamine (ma túy tổng hợp). Qua đó cho thấy, lỗ hổng trong quản lý các loại thuốc chứa tiền chất gây nghiện, gây ảo giác hiện nay còn quá lớn!
QUỲNH CHI