Đừng “đồng phục” di sản

Bảo tồn di sản không phải là “bọc” di sản trong tấm áo đồng phục, nhưng bảo tồn cũng không thể tùy tiện “vẽ bướm thêm hoa” cho di sản…
Hàng ghế gỗ Đồng Kỵ trong không gian nhà hát quan họ ở Bắc Ninh. Ảnh: VOV
Hàng ghế gỗ Đồng Kỵ trong không gian nhà hát quan họ ở Bắc Ninh. Ảnh: VOV

Nhiều ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước quy mô của nhà hát quan họ ở tỉnh Bắc Ninh, cùng dãy ghế gỗ từ làng nghề truyền thống Đồng Kỵ được trang bị trong nhà hát.

Hai luồng ý kiến, một bên cho rằng dùng ghế gỗ bề thế, diêm dúa không phù hợp với không gian di sản phi vật thể, ý kiến khác lại đồng tình với việc dùng ghế gỗ từ làng nghề ngay tại Bắc Ninh “là chuyện bình thường”. Từ câu chuyện xôn xao trước vấn đề không có gì mới này, một nỗi niềm cũ lại khơi lên những trăn trở: Chúng ta phải ứng xử và bảo tồn như thế nào với di sản?

Di sản vật thể hay phi vật thể luôn có những giá trị quý báu để thế hệ hôm nay, mai sau khai thác và phát huy những điều tốt đẹp, làm tài nguyên cho ngành công nghiệp không khói - du lịch. Khởi nguồn di sản hình thành từ đời sống nhân dân, vì thế giữ được giá trị ngàn xưa hài hòa cùng nhịp sống đương thời là bài toán của người làm công tác bảo tồn di sản.

Không chỉ riêng nhà hát quan họ ở Bắc Ninh, câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng từng được nêu lên trong câu chuyện đờn ca tài tử Nam bộ với quan điểm: Di sản gắn liền với sinh hoạt thường ngày trong đời sống nhân dân liệu có phù hợp khi đem lên sân khấu; Sinh hoạt cồng chiêng Tây Nguyên mang lên sân khấu có còn đúng giá trị khi UNESCO công nhận đây là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”?

Những ý kiến đưa ra không phải không có lý do, bởi công tác bảo tồn không đúng giá trị nguyên bản sẽ làm mất đi nét văn hóa đẹp. Nhưng giữ lấy giá trị tốt đẹp ban đầu cũng không phải là bọc mình trong tấm áo an toàn, để rồi khi nhận bằng xếp hạng di tích, treo một tấm bảng hoành tráng phía bên ngoài mà chẳng mấy ai quan tâm tìm đến, hoặc có hoạt động cũng chỉ cầm chừng “xuân thu nhị kỳ”.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng chia sẻ, việc trình diễn một số loại hình di sản dân gian trên sân khấu không sai. Vì bảo tồn cũng cần uyển chuyển để phù hợp với nhu cầu thực tế, chúng ta có thể sân khấu hóa, truyền hình hóa một số loại hình di sản để tiếp cận rộng rãi với công chúng. Nhưng để làm được điều đó, trước hết người làm công tác bảo tồn phải hiểu một cách đầy đủ về di sản, từ đó nghiên cứu và vận dụng cách làm phù hợp để quảng bá rộng rãi tới cộng đồng.

Một ví dụ, các điểm di tích lịch sử tại TPHCM dần thu hút nhiều bạn trẻ khi người làm công tác bảo tồn cũng trẻ và biết vận dụng ưu thế của các nền tảng mạng xã hội để thu hút người trẻ đến với di sản. Tuy nhiên, chuyện phục dựng và phỏng dựng vốn là hai khái niệm khác nhau.

Thời gian có thách thức của nó, nhân chứng lịch sử đã không còn, việc phục dựng một di tích vốn không dễ dàng, bởi thế mà phỏng dựng lại qua những tài liệu, lời kể là việc dễ làm hơn. Nhưng việc phỏng dựng, nếu người làm công tác bảo tồn thiếu độ “sâu”, độ vững của kiến thức, rất dễ gặp những sai sót.

Từ một góc nhìn khác, những trăn trở hay tranh cãi về chuyện bảo tồn và phát huy giá trị di sản là điều đáng mừng, khi công chúng ngày càng quan tâm hơn đến những giá trị tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thuận lợi, trước hết cần sự hiểu biết và thẩm mỹ cộng đồng, mà gần nhất là cư dân địa phương gắn liền với di sản.

Khi người ta thực sự thấu hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của những giá trị ngàn xưa, tự khắc mỗi người, mỗi thế hệ sẽ có cách hài hòa di sản cùng nhịp sống đương thời. Bởi, bằng cách nào đó, giá trị sơ khai vẫn hiện hữu trong những hình thái mới.

Ở góc nhìn còn lại, muốn phát huy di sản còn cần có sự “chung lưng đấu cật” của người làm công tác bảo tồn và hệ thống quản lý Nhà nước về di sản. Bảo tồn di sản không phải là “bọc” di sản trong tấm áo đồng phục, nhưng bảo tồn cũng không thể tùy tiện “vẽ bướm thêm hoa” cho di sản…

Tin cùng chuyên mục