
1. Năm ngoái tôi ra Hà Nội chấm thi Cuộc vận động sáng tác cho lứa tuổi mầm non và mẫu giáo do Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức, ngụ tại khách sạn của Tổng liên đoàn Lao động, bị trộm vào đánh cắp cái máy tính xách tay, tiếc hùi hụi. Tiếc nhất là bao nhiêu bản thảo trong đó bị mất sạch. Bạn bè Hà Nội nghe tin, sốt sắng gọi điện chia buồn. Có người dùng lời cổ nhân an ủi: “Của đi thay người”. Có người bông phèng cho tôi đỡ rầu rĩ: “Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông...”. Nhờ vậy, tôi cũng bớt ủ ê phần nào.
Trong những người chia buồn cùng tôi hôm đó, tôi ngạc nhiên nhất là chị Vân Thanh. Chị Vân Thanh là người Hà Nội gốc, nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi, công tác ở Viện Văn học. Chị gọi điện thoại cho tôi, sau khi hỏi thăm về vụ mất cắp và động viên tôi, cuối cùng chị thình lình hỏi: “Em có ghét Hà Nội không?”. Tôi đang sửng sốt trước câu hỏi đột ngột của chị, chưa kịp đáp, chị lật đật nói tiếp, giọng như năn nỉ, chắc chị tưởng tôi đang suy nghĩ về chuyện “ghét hay không ghét” Hà Nội: “Em đừng ghét Hà Nội nhé!”. Tôi hoảng hồn, ấp úng: “Không... không... Sao chị lại nghĩ vậy?”.
Đến khi buông máy xuống rồi, cái đầu óc chậm chạp của tôi mới vỡ lẽ: Thì ra chị sợ tôi vì bị phường đạo chích đánh thó cái laptop mà đâm ra đổ quạu với Hà Nội của chị. Tự dưng tôi bật cười. Kẻ cắp thì ở đâu chẳng có. Nếu gặp vận xui thì không mất nơi này cũng mất nơi khác. Đâu có ai vì ướt giày mà nỡ giận một dòng sông. Nhưng cười xong lại thấy cảm động. Hóa ra có những người yêu mến vùng đất của mình hồn nhiên đến thế, mà cũng đậm đà đến thế. Lúc nào cũng nơm nớp sợ khách phương xa chê trách quê hương mình. Lúc nào cũng lưu tâm gìn giữ từng li từng tí, muốn vùng đất mình sinh sống luôn đẹp đẽ trong mắt mọi người. Để có cái mà tự hào, mà hãnh diện.

Nhìn hình ảnh Quốc Anh thi đấu (số 6), người hâm mộ không thể không đau buồn!
Cái tình cảm ruột rà với nơi mình sinh ra và lớn lên đó, ngẫm lại thấy trong chúng ta ai cũng có. Xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia trên tivi, thấy các thí sinh đến từ khắp nơi trên đất nước, ai cũng giới thiệu về quê hương của mình với giọng đầy tự hào - dù trong lúc phấn khích cũng có đôi lời hơi quá. Cái “quá” này hoàn toàn thông cảm được.
Tôi đã từng chứng kiến hai sinh viên, một Quảng Nam một Thừa Thiên Huế, “thi đấu” với nhau bằng cách kể tên danh nhân ở địa phương mình , xem xứ nào “ngon” hơn xứ nào, xứ nào mới là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Lúc đầu, hai chàng kể tên các danh nhân lịch sử - người này nêu một cái tên, người kia cũng nêu một cái tên tương xứng. Rồi “đấu” tới nhà văn, nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ - rồi lôi cả cầu thủ bóng đá ra đọ nhau. Viết tới đây, tôi chợt bùi ngùi nghĩ: Nếu bây giờ mà còn chơi cái trò đó, chắc anh sinh viên Quảng Nam giấu biến cái tên Quốc Anh còn anh sinh viên xứ Huế sẽ cố tình phớt lờ tên Văn Trương là cái chắc...
2. Ông Huỳnh Văn Thu, bố của Quốc Anh, có lẽ trong thâm tâm cũng chẳng mơ ước gì cao xa về nghề đá bóng của con mình. Như những người dân quê chất phác ở Bắc Trà My, ông chỉ mong đứa con thi đấu nhiệt tình để làm rạng rỡ cho miền quê nghèo khó. Trả lời báo chí, ông thật thà như củ khoai, hạt lúa: “Tôi chẳng mong nó đi đá bóng để đem tiền về cho gia đình, mà chỉ mong nó đá hay đá đẹp để làm mát lòng mát dạ người dân quê tôi”.
Tâm trạng đó, tôi nghĩ ngay Quốc Anh cũng có - tình cảm thiêng liêng với quê hương là thứ không cần phải học. Ai lớn lên mà chẳng gắn bó với con sông hằng ngày ta tắm, đường làng mỗi bữa ta đi. Chỉ có điều tình cảm đó nếu không được vun bồi, nhắc nhở, nó rất dễ phai nhạt khi va chạm với những giá trị khác - những giá trị nghiêng về vật chất. Tình yêu quê hương vốn vô hình nhưng đồng tiền thì có hình thù cụ thể, lại tiêu xài được, có thể dùng nó để mua xe Dylan hay sắm điện thoại di động đời mới. Những cầu thủ trẻ nếu không được kèm cặp rèn dạy, nhất là không được người lớn làm gương, tất con đường đi đến chỗ sa ngã chỉ ngắn một gang tay.
3. Bầu không khí bóng đá Việt Nam những năm qua quá vẩn đục - các quan chức bóng đá mải lo đấu đá hơn là lo gạn lọc - nên ngày càng tối như hũ mực. Từ câu lạc bộ đến đội tuyển quốc gia, nạn móc ngoặc, đi đêm và mua bán độ trở thành chuyện thường nhật. Tiêu cực trong bóng đá dần dần được bình thường hóa, đạo đức trở nên một món hàng xa xỉ. Một cầu thủ non tơ, đầu óc như tờ giấy trắng, nhờ có năng khiếu mà được chọn vô câu lạc bộ, được lên tuyển quốc gia, nguy cơ biến chất là rất cao.
Dĩ nhiên cũng có những cầu thủ có khả năng miễn nhiễm như Tài Em. Nhưng ngoài phẩm chất đạo đức và bản lĩnh vững vàng của cá nhân Tài Em, chúng ta đừng quên Gạch Đồng Tâm Long An là câu lạc bộ duy nhất ở V-League được mệnh danh là “chơi sạch”. Nhiều đội bóng như một ổ ma túy, một tâm hồn non nớt bị thảy vô đó, sớm muốn gì cũng bị rủ rê, chèo kéo vào con đường hư hỏng: Gần mực thì đen...
Cho nên, giận các cầu thủ trẻ bán độ thì rất giận mà cũng thấy tội các em. Các em dĩ nhiên phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật và dư luận, nhưng sống ở bầu mà biểu các em phải dài, sống ở ống mà bắt các em phải tròn, cũng là đòi hỏi các em nỗ lực nhiều quá. Để các cầu thủ biết đi trên con đường ngay thẳng, những người đứng đầu VFF cũng như lãnh đạo các câu lạc bộ trước tiên phải tự dọn mình, sau đó phải dọn một con đường sạch sẽ, quang đãng, gỡ hết các cạm bẫy đang giăng giăng như hiện nay, để các em lần theo đó mà đi. Chúng ta đều biết: Môi trường tốt thì cây lá mới xanh tươi.
Có như vậy, đến một lúc nào đó chúng ta mới hy vọng khi đá hỏng một quả chắc ăn, một cầu thủ như Quốc Anh sẽ vô cùng tiếc nuối và lo lắng thốt lên: “Các bạn đừng ghét Trà My nhé!” - như chị Vân Thanh hồn nhiên và đáng yêu đã từng làm tôi bồi hồi quá thể.
Chu Đình Ngạn