Đừng làm mất giá trị bản thân

“Làm giàu được, khởi nghiệp được thì tốt, nhưng không giàu không phải là tận thế. Một người không mất đi giá trị chỉ vì họ không giàu”. Chia sẻ của anh Lê Quang Phúc (kinh doanh tự do, ngụ quận Bình Tân) sau loạt bài “Ma trận học làm giàu” (Báo SGGP ngày 17 và 18-8-2020) cũng là suy nghĩ của chúng tôi trong quá trình thực hiện loạt bài này.
Rèn luyện khả năng ngoại ngữ cũng là cách giúp bạn trẻ có được công việc và thu nhập ổn định, hơn là chuyện học làm giàu xa rời thực tế
Rèn luyện khả năng ngoại ngữ cũng là cách giúp bạn trẻ có được công việc và thu nhập ổn định, hơn là chuyện học làm giàu xa rời thực tế

Vô chừng và vô định

Trong quá trình tác nghiệp các lớp học làm giàu, từ học trực tiếp đến trực tuyến, có thể thấy, đối tượng của các lớp học đa số là các bạn trẻ, có kiến thức, có mong muốn làm giàu nhưng chưa giàu, có ít kinh nghiệm và ít cả vốn liếng. Anh Lê Quang Phúc chia sẻ: “Những nhà tổ chức các lớp học làm giàu này là những người nắm bắt tâm lý học viên tốt. Họ sẽ dễ dàng chỉ ra những hạn chế của học viên rồi sau đó đưa ra một số ví dụ về những người thành công, trong đó có thể có cả chính người dạy. Học viên sẽ thấy đâu đó hình bóng mình trong các ví dụ và tin tưởng là mình cũng có thể đạt thành công miễn là hành động theo phương pháp mà giáo trình hướng dẫn”.

Điều quan trọng là các lớp học này không có bảo hành, các lớp học dạng khác thì có kiểm tra, có thi có đậu, còn học làm giàu thì vô chừng. Đầu vào, tức là trình độ, khởi nghiệp của học viên đã vô chừng, đầu ra làm thế nào thì giàu, bao lâu mới giàu và tỷ lệ thành công càng vô định.

Ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Giám đốc FiNNO Group, nhận định: “Tôi cho rằng bản chất của các lớp dạy về kinh doanh cũng như việc các bạn trẻ tham gia các lớp học này với mục tiêu để học kỹ năng kinh doanh không có gì là xấu”. Lớp học dạy kỹ năng kinh doanh thông qua việc biết cách tạo ra và cung cấp những lợi ích vượt trội, giúp khách hàng giải quyết tốt hơn những vấn đề họ đang gặp phải trong cuộc sống thì được gọi là khởi nghiệp sáng tạo. Rõ ràng mục tiêu của lớp học này không phải là kiếm tiền thật nhanh mà là mang lại giải pháp tốt hơn cho khách hàng.

Ngược lại, cũng lớp học như vậy nhưng động cơ đằng sau chỉ để lôi kéo mọi người bỏ tiền tham gia vào hệ thống bán hàng cho một sản phẩm nào đó với những viễn cảnh hào nhoáng cùng lời hứa “kiếm được tiền không giới hạn chỉ với việc phát triển thêm thành viên” thì đó chính là những lớp học làm giàu mà chúng ta đang nói đến. “Với mô hình này, thu nhập chính không đến trực tiếp từ nỗ lực bán sản phẩm cho người tiêu dùng cuối cùng mà đến từ việc phát triển thành viên”, ông Trương Thanh Hùng đúc kết.

Trong khi đó, theo TS Đào Lê Hòa An, chuyên gia tâm lý, cố vấn cao cấp Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực và hướng nghiệp 4.0 Jobway, làm giàu là điều mà người trẻ luôn luôn đau đáu và mong muốn đạt được nhưng chỉ có một cái thiếu: tiền! “Cần hết sức cẩn trọng để thấu hiểu bản chất mong muốn cần đạt được của đơn vị tổ chức các lớp học này là gì? Đó chính là làm giàu cho chính họ bằng tiền của học viên là chính. Các “diễn giả” đã “diễn” rất tròn vai nhằm kích thích tinh thần, năng lượng, cũng như kích hoạt một viễn cảnh tươi hồng mà người trẻ luôn muốn đạt được”, TS Hòa An chia sẻ.

Chọn lọc kênh phù hợp

Tham gia các lớp học làm giàu, có thể nhận thấy người trẻ mong muốn được tiếp cận, thay đổi tư duy làm giàu. Nhưng muốn làm được vậy phải có nội lực, sự trải nghiệm, những kiến thức được tích lũy liên tục. TS Hòa An nêu ý kiến: “Người trẻ phải hiểu rõ thế mạnh của mình, những khả năng, năng lực của bản thân. Nói cách khác, hãy định vị mình đang ở đâu một cách toàn diện trước khi bắt đầu chinh phục con đường đi, nếu không muốn lạc đường hoặc gặp “tai nạn”. Muốn làm giàu tất cả phải bắt đầu từ gốc, có bột mới gột nên hồ là như vậy”.

Ở góc nhìn của mình, Nhã Lạc (sinh viên năm cuối, Đại học Văn Hiến) cho rằng: “Bản thân tôi cũng cũng quan tâm đến việc làm thế nào để thành công, để có tiền và thực hiện những gì mình mơ ước. Tôi cũng tham khảo qua các lớp học làm giàu, từ đó suy ngẫm những câu chuyện, kinh nghiệm, chia sẻ của họ có phù hợp với mục tiêu, điều kiện của bản thân mình hay không, còn lại là phụ thuộc vào chính bản thân mình, quan trọng là mình biết thế nào là đúng - sai để tiếp thu, học hỏi những cái tốt, có ích để vận dụng vào con đường mình đi một cách có hiệu quả”.

“Muốn khởi nghiệp, hãy học về khởi nghiệp, điều đó không sai. Nhưng các bạn hãy tìm hiểu và lựa chọn các lớp học khởi nghiệp liêm chính do các chuyên gia hoặc các trung tâm đào tạo uy tín thực hiện. Có thể kiểm chứng đơn giản bằng việc dùng Google tìm kiếm thông tin về chuyên gia hoặc trung tâm trước khi quyết định có tham gia lớp học hay không”, là hướng dẫn của ông Trương Thanh Hùng.

Trong giai đoạn hiện nay, nhiều bạn trẻ muốn mau chóng tìm việc làm, kiếm tiền, có bạn còn muốn tìm công việc nhẹ nhàng, lương thật cao để có tiền mua sắm và tiêu xài theo nhu cầu của bản thân. Một số bạn nghe những lời ngon ngọt của các doanh nghiệp lừa đảo như “việc nhẹ, lương cao, không cần năng lực, được đào tạo miễn phí, lương tháng cả trăm triệu đồng” khi lao vào rồi mới biết là “tiền mất tật mang”, việc làm không như mong muốn, lại mất tiền, mất thời gian. “Không phải lúc nào chúng ta cũng được lựa chọn làm việc mình muốn làm, học một nghề nhưng khi tìm việc lại làm một công việc khác. Muốn thành công vững vàng chúng ta phải tích lũy cho mình những kiến thức cơ bản: Hãy luôn biết mình là ai, năng lực của mình thế nào để chọn nghề phù hợp. Luôn biết nỗ lực và cố gắng để thể hiện bản thân mình. Đừng ngồi chờ cơ hội đến với mình, chính mình hãy tìm lấy cơ hội”, anh Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên - Thành đoàn TNCS TPHCM, chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục