Dựng lều học chữ

Dựng lều học chữ

(SGGP-12G).- Gần 100 em học sinh nghèo người Vân Kiều, Pa Kô Trường THPH Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã tự dựng hàng chục căn lều bằng tre, nứa... tạm bợ nằm trên những nương rẫy, gần bìa rừng làm nơi ăn ở để đi học. Chứng kiến những túp lều, chúng tôi mới thấy được cái khát khao để biết được con chữ của các em nơi vùng cao biên giới lớn đến nhường nào.

5 người trong 6m2

Trong chiếc lều rộng chừng 6m2 có 5 em học sinh đang ngồi. Trên sàn lều chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc chiếu cũ kỹ, mấy cái chén sứt mép và hai chiếc nồi méo mó. Cô giáo Lê Thị Trang Nhung, giới thiệu: “Đây là “lều” học của các em. Nhà các em cách trường hàng chục km, đi bộ cũng phải mất hơn nửa ngày mới đến được lớp, gia cảnh nghèo nên các em đành phải tự dựng lều ăn ở mà đi học”.

Những học sinh dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chen nhau trong căn lều tự dựng trú ẩn khi những cơn mưa về . Ảnh: Hồng Anh

Những học sinh dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chen nhau trong căn lều tự dựng trú ẩn khi những cơn mưa về . Ảnh: Hồng Anh

Đưa tay về phía cô bé nằm ở góc bếp, cô Nhung nói tiếp: “Đó là Hồ Thị Khuyên, học lớp 12B, nhà ở mãi xã Hướng Việt, hơn hai năm trước một mình em khăn gói về đây dựng lều ở để đi học. Khuyên là con thứ 5 trong gia đình 7 anh em, hai đứa em của Khuyên khi chưa học hết lớp 8, lớp 9 đã phải nghỉ học ở nhà theo bố mẹ đi rẫy, nhường chị học cấp 3. Đã một tuần này Khuyên chưa đến lớp được vì bị ốm do sốt rét rừng”.

Khuyên tâm sự: “Có nhiều khi chịu không nổi vì thiếu thốn, đau ốm… em đã tính bỏ học về nhà ở với bố mẹ nhưng nghĩ lại như vậy mình sẽ không học được cái chữ nên quyết tâm chịu đựng vật vã để học”.

Khi hỏi về ước mơ trên con đường “nhặt” chữ của mình, Khuyên cho biết: “Em muốn trở thành cô giáo để về dạy chữ trên vùng cao này. Nhưng trước mắt em phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp năm nay, sau đó em sẽ về nhà tự ôn thi vào Trường Đại học Sư phạm Huế hoặc Cao đẳng Sư phạm Đông Hà - Quảng Trị”.

Cách đó không xa, mấy “lều” học của các em Hồ Văn Tịnh, Hồ Văn Hùng, Hồ Dũng… cũng chẳng khá hơn là mấy. “Nhà chúng em nghèo lắm, mỗi tháng bố mẹ chỉ có thể cho mỗi đứa không quá 100.000đ, chúng em góp lại mua gạo, còn thức ăn thì phải vào rừng, xuống suối mà kiếm”, em Hồ Văn Hùng, học lớp 11B kể.

“Tội nghiệp lắm, nhiều bữa mấy em lên lớp ngồi học cứ rũ rượi, hỏi ra mới biết do nhà xa, đường lại đi rất khó, bố mẹ chưa có tiền gửi cho nên các em chỉ uống nước suối thay cơm rồi đến lớp học. Kể từ đó cho đến nay, các thầy cô giáo trong trường đã cùng nhau cắt bớt khẩu phần ăn của mình để phụ giúp cho các em”, thầy Nguyễn Quốc Tuấn cho biết.

“Khó khăn là vậy nhưng phần lớn các em đều chăm chỉ đến lớp, kết quả tổng kết từng học kỳ của từng em khá cao”, cô Nhung tự hào.

Nhà bán trú - bao giờ?

Cô giáo Ngô Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng, cho biết: “Trường có gần 300 học sinh, hơn một nửa là con em đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Trong số ấy, có gần 100 em nhà nghèo và ở rất xa trường. Vì vậy, các em phải dựng lều tạm bợ bên các nương rẫy, quanh rừng làm nơi ở để đến trường. Dẫu biết học sinh vất vả như thế nhưng chúng tôi lực bất tòng tâm, bởi với điều kiện của nhà trường không thể nào lo nổi cho các em. Năm ngoái, trong kế hoạch xây trường mới dự kiến sẽ xây thêm nhà bán trú để cho học sinh ở, bây giờ trường mới đã có nhưng nhà bán trú chẳng thấy đâu. Nghe cấp trên bảo do lạm phát kinh tế nên đành cắt lại khoản xây nhà bán trú để bù vào việc xây trường. Vừa rồi, chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên xem xét xây cho một số phòng ở nội trú để các em có nơi ở mà ăn học…”.

Trong khi chờ những căn phòng bán trú, những học sinh nghèo Vân Kiều, Pa Kô vẫn ngày ngày sống trong những căn lều tạm bợ để mơ giấc mơ chinh phục con chữ...

Hồng Anh

Tin cùng chuyên mục