Sau hơn 4 năm ra mắt, Hẻm Radio đã có gần 100.000 lượt theo dõi, 50.000 lượt nghe cho mỗi tác phẩm văn học học đường. Trong số hơn 1.000 video được đăng tải, có khá nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như: Lão Hạc, Số đỏ, Những đứa con trong gia đình, Chiếc lược ngà, Lục Vân Tiên… Đặc biệt, tác phẩm Truyện Kiều đã có gần 1 triệu lượt nghe và hơn 500 bình luận của độc giả, chủ yếu là lời khen tặng.
Có một điều dễ nhận thấy khi nghe các tác phẩm văn học trên Hẻm Radio, đó chính là sự hấp dẫn và sinh động nhờ được đầu tư nghiêm túc về kỹ thuật, âm thanh cũng như phát thanh viên với nhiều giọng đọc khác nhau. Không thể phủ nhận những đóng góp của Hẻm Radio trong việc nuôi dưỡng và truyền bá những tác phẩm văn học đến công chúng. Vậy nên, việc Hẻm Radio biến mất trên YouTube là một điều đáng tiếc. Tuy vậy, cũng cần nghiêm túc để nói rằng, đây chính là hệ quả tất yếu của Hẻm Radio khi ngay từ đầu đã lừa dối bạn đọc và ngang nhiên xâm phạm bản quyền.
Hơn một năm trước, chia sẻ trên báo chí, người sáng lập Hẻm Radio cho rằng, khi biết đây là một kênh “tôn vinh văn hóa đọc”, các NXB và tác giả đều ủng hộ và cho phép Hẻm Radio sử dụng tác phẩm của họ để thực hiện các video dưới dạng sách nói và đăng tải trên kênh YouTube Hẻm Radio. Nhưng thực tế không phải như vậy. Lúc thực hiện bài viết về bản quyền sách nói, khi chúng tôi có đề cập đến trường hợp của Hẻm Radio, cả đại diện của NXB Trẻ lẫn First News đều khẳng định không trao quyền khai thác sách nói cho Hẻm Radio. Vào thời điểm đó, ngoài Thư viện sách nói dành cho người mù, 2 đơn vị này đều chưa trao quyền cho bất cứ cá nhân, đơn vị nào để thực hiện sách nói.
Rõ ràng, mục đích của Hẻm Radio tốt đẹp và cần được nhân rộng. Có điều, khi mục đích đó không được xây nên từ tinh thần thượng tôn pháp luật, thấy sai mà vẫn làm thì dù có nhân danh lòng tốt, nhân danh việc truyền cảm hứng đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc, cũng trở nên vô ích. Bởi thực tế, ngành xuất bản Việt Nam hiện đang phải đối diện với những thiệt hại không nhỏ, trong đó có xuất phát từ vấn nạn xâm hại bản quyền.
Được biết, việc khóa kênh trên YouTube được chính những người sáng lập Hẻm Radio thực hiện từ ngày 12-10, trước áp lực từ độc giả cũng như các đơn vị sở hữu bản quyền. Tuy nhiên, dù đã khóa kênh nhưng một số video do Hẻm Radio thực hiện đã bị không ít nơi tải về và tiếp tục đăng tải trên các ứng dụng khác nhau.