Ngành hồ tiêu Việt Nam

Được chơi ở “sân” lớn và sòng phẳng hơn

Năm 2006, ngành hồ tiêu đạt những cột mốc kỷ lục về kim ngạch và số lượng xuất khẩu: 10 tháng xuất khẩu 112.000 tấn, đạt 178 triệu USD và có thể đạt 190 triệu USD và 120.000 tấn vào cuối năm, vượt xa con số năm 2005 là 102.000 tấn và 120 triệu USD. Thành công của hồ tiêu ngay khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO cho thấy vị trí khá thuận lợi của ngành hàng này trong chặng đường hội nhập tới. Phóng viên báo SGGP có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), ông Đỗ Hà Nam.
Được chơi ở “sân” lớn và sòng phẳng hơn

Năm 2006, ngành hồ tiêu đạt những cột mốc kỷ lục về kim ngạch và số lượng xuất khẩu: 10 tháng xuất khẩu 112.000 tấn, đạt 178 triệu USD và có thể đạt 190 triệu USD và 120.000 tấn vào cuối năm, vượt xa con số năm 2005 là 102.000 tấn và 120 triệu USD. Thành công của hồ tiêu ngay khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO cho thấy vị trí khá thuận lợi của ngành hàng này trong chặng đường hội nhập tới. Phóng viên báo SGGP có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), ông Đỗ Hà Nam.

°Phóng viên: Có thể nói gì về khó khăn và thuận lợi của ngành hồ tiêu khi VN gia nhập WTO?

Được chơi ở “sân” lớn và sòng phẳng hơn ảnh 1
Thu hoạch hồ tiêu ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

° Ông ĐỖ HÀ NAM: Hầu hết các doanh nghiệp (DN) chế biến hồ tiêu trong nước đều là DN nhỏ và vừa, vốn rất hạn chế, nên lực chưa có nhiều. Đó là khó khăn cơ bản nhất. Nhưng do DN ngành hồ tiêu không được hưởng các quy chế ưu đãi về vốn vay, đầu tư của Nhà nước, nên từ lâu bản thân DN đã chịu sự cạnh tranh thị trường, để có thể đứng vững.

Ở chừng mực nào đó, DN hồ tiêu đầu tư vào công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng và xuất khẩu trực tiếp hồ tiêu vào ngay thị trường tiêu dùng (giảm dần qua trung gian) và chiếm thị phần cao nhất trong xuất khẩu toàn cầu là những thuận lợi ban đầu. Và điều thuận lợi khác là thị trường xuất khẩu hồ tiêu của VN thuộc các nước không sản xuất được, nên mức thuế thấp, không bị kiện như một số mặt hàng khác của VN hoặc bị dùng áp lực để ngăn chặn.

° Theo ông, có gì khác biệt trước và sau khi gia nhập WTO của ngành hồ tiêu VN?

° Cái được lớn nhất của các DN xuất khẩu hồ tiêu khi VN gia nhập WTO là được chơi ở sân chơi lớn và sòng phẳng hơn. Đây là lúc để các DN tự rèn luyện, khẳng định và tự nâng tầm lên mức cao hơn, biết tạo cho DN khả năng đáp ứng tốt hơn và thỏa mãn nhiều hơn các yêu cầu của khách hàng.

Cũng là dịp thúc đẩy sự liên kết giữa các DN, để có thể vươn lên thành tập đoàn lớn về gia vị, không chỉ trong nước mà có đủ khả năng vươn ra quốc tế, chiếm lĩnh thị trường. Nếu không, khi DN nước ngoài vào, với tính chuyên nghiệp cao hơn, vốn mạnh và nhiều hơn, cũng như khả năng đầu tư công nghệ cao, sẽ chiếm dần thị phần trong nước. Bằng chứng là hiện nay đã có 3 công ty nước ngoài đầu tư và cả 3 đều nằm trong top 10 DN xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu của VN.

° Vậy để đứng vững, DN cần phải làm gì thời gian tới để hạn chế khó khăn và phát huy thế mạnh mà không phải ngành hàng nào cũng có?

° Quan trọng là xây dựng cho được tiêu chuẩn hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, thỏa mãn nhu cầu lớn của khách hàng, nhất là các khách hàng lớn ở EU, Mỹ… Bên cạnh đó là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhưng như trên đã nói, VN cần có tập đoàn mạnh, chuyên về gia vị, để khi thị trường biến động, có đủ khả năng tài chính để giữ cho thị trường ổn định và không bị chi phối.

° Chưa thấy ông đề cập đến vấn đề xây dựng thương hiệu - một yêu cầu phải được đặt ra trong quá trình hội nhập để khẳng định, không bị hòa lẫn?

° Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) đấy chứ. Với sản lượng khoảng 13.000 tấn với gần 3.000 ha, trong tổng số hơn 100.000 tấn và trên 50.000 ha, đây là vùng hồ tiêu có năng suất cao nhất VN, chất lượng ổn định nhất...

Nói chung, nơi đây gần như đảm bảo các mặt, kể cả nhà máy chế biến tại chỗ, để xây dựng thương hiệu riêng cho hồ tiêu xứ này. Nên xây dựng thương hiệu cho Chư Sê là thuận lợi nhất. Riêng hồ tiêu Phú Quốc, dù đã có tiếng từ lâu, nhưng hiện nay diện tích bị thu hẹp, sản lượng còn rất ít, chỉ khoảng 1.000 tấn/năm, khó có thể xây dựng thương hiệu riêng, ít ra trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, thương hiệu hồ tiêu Chư Sê mới là cái để khẳng định thôi và Hiệp hội chỉ làm về mặt thương mại, còn bản chất thương hiệu là tính bền vững, đòi hỏi phải làm lại từ khâu trồng trọt, đến chăm sóc, bảo quản chế biến. Điều này địa phương phải làm và có sự đầu tư lâu dài.

Vấn đề thương hiệu, không phải đặt cái tên và quảng bá là xong, mà là cái thể hiện bản chất hàng hóa và được thế giới công nhận. Muốn vậy phải có thời gian 3 - 5 năm, sản phẩm đó phải ổn định và cung cấp thường xuyên cho khách. Nhưng điều quan trọng lớn hơn mà chúng tôi nhắm đến, là xây dựng cho được thương hiệu hồ tiêu VN. Tức là xây dựng quy trình chất lượng hàng hóa, để khi xuất ra nước ngoài, với quy trình và chất lượng đó sẽ đảm bảo uy tín hồ tiêu VN trên thị trường quốc tế.

° Ông có thể nhận định về khả năng cạnh tranh hồ tiêu VN hiện nay trên thị trường thế giới?

° Hiện nay hồ tiêu VN có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Với giá ở mức chấp nhận được, cộng với chất lượng ngày càng ổn định, đã làm cho hồ tiêu VN dần dần chiếm lĩnh nhiều thị trường của các nước khác. Đấy mới là điều quan trọng nhất. Nhờ bán được giá tốt, nên hồ tiêu một số nước xung quanh đang chạy vào VN, từ đó xuất khẩu. Những năm trước, hồ tiêu VN xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, nay ngược lại. Đây là lý do giải thích tại sao sản lượng hồ tiêu VN năm nay xuất khẩu tăng lên cao hơn sản lượng thu hoạch.

° Xin cảm ơn ông.

ĐÔNG NGHI

Tin cùng chuyên mục