168km có 7 trạm thu phí
Đến cuối năm 2017, tỉnh Bình Phước đã đưa vào sử dụng 5 công trình BOT đường bộ. Tuy chỉ có tổng chiều dài hơn 168km cầu, đường song có đến 7 trạm thu phí. Cụ thể, dự án BOT ĐT741 đoạn từ ranh giới tỉnh Bình Dương đến thị xã Đồng Xoài dài 23,324km có 1 trạm tại xã Tân Lập (Đồng Phú) và đoạn từ Đồng Xoài đi Phước Long dài 45,782km nhưng có tới 2 trạm thu phí cách nhau chưa đến 25km đặt tại xã Thuận Phú (huyện Đồng Phú) và xã Bù Nho (huyện Phú Riềng). Và chỉ 32,3km quốc lộ (QL) 13 đoạn Tham Rớt - An Lộc có 2 trạm thu phí tại xã Thành Tâm (huyện Chơn Thành) và xã Tân Khai (huyện Hớn Quản); đường QL13 đoạn thị trấn An Lộc - Chiu Riu dài 26,748km cũng đặt 1 trạm tại xã Thanh Lương (huyện Bình Long). Các trạm thu phí BOT đều đặt trên những tuyến chính nên các loại phương tiện ô tô, xe vận chuyển hàng hóa mỗi khi đi qua địa bàn tỉnh này đều phải phải oằn mình “cõng” phí.
Một hộ dân ở phường An Lộc (thị xã Bình Long) nói: “Trên QL13 đoạn qua Chơn Thành - Bình Long có 3 trạm thu phí, mỗi khi tham gia giao thông phải mua vé qua từng trạm. Từ cách đây 3 năm, mức phí qua các trạm này đã được tăng lên với giá thấp nhất là 20.000 đồng/lượt và cao nhất là 90.000 đồng/lượt, khiến người dân chúng tôi rất bức xúc”. Tương tự, không ít lần, người dân các huyện Bù Gia Mập và Phú Riềng kiến nghị di dời trạm hoặc giảm giá vé.
Theo Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hiệp: Các dự án (DA) BOT trên địa bàn được thực hiện theo Nghị định số 77/CP ngày 18-6-1997 của Chính phủ ban hành quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) áp dụng cho đầu tư trong nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Giai đoạn này chưa có quy định về khoảng cách đặt trạm thu phí là 70km/trạm và số lượng trạm thu phí do UBND tỉnh quyết định trên cơ sở thỏa thuận với nhà đầu tư là phù hợp với quy định của pháp luật. Còn việc giá phí cao, sở này khuyến cáo người dân nên mua vé theo tháng, hoặc theo quý để giảm chi phí...
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã khởi công DA đầu tư xây dựng đường Đồng Phú - Bình Dương theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.480 tỷ đồng, đấu nối vào dự án đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng tại Suối Rạt. UBND tỉnh cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ địa phương trong thực hiện các DA đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT trên địa bàn tỉnh.
Đường hư hỏng nặng
Mặc dù các DA BOT giao thông trên địa bàn được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp trầm trọng. Ghi nhận của phóng viên tại đường ĐT741, đoạn từ thị xã Đồng Xoài đi Phước Long dài 54km, được đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí trên 163 tỷ đồng. Sau 2 năm đưa vào sử dụng, đến nay mặt đường toàn tuyến đã xuất hiện hàng loạt ổ gà, ổ voi và những vết nứt chân chim khá lớn. Có nơi, các ổ gà có độ sâu khoảng 20cm, rộng 50-70cm. Tương tự, DA đường BOT nâng cấp, mở rộng QL13 đoạn cầu An Lộc - Hoa Lư trong năm 2017 đã hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều hố sâu gây bức xúc dư luận và Sở GTVT tỉnh Bình Phước buộc phải có văn bản gửi nhà đầu tư tức tốc sửa chữa mặt đường để đảm bảo giao thông. Còn theo phản ánh của người dân xã Đức Liễu, dự án BOT trên QL14 qua xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng (đoạn từ cầu 38 - Đồng Xoài) hệ thống mương nước không liên hoàn, việc thi công thiếu đồng bộ và ì ạch. Do đó, mỗi khi mưa lớn, nước thường tràn vào nhà dân. Sở GTVT tỉnh đã có công văn gửi nhà đầu tư là Công ty CP Đức Thành Gia Lai kiểm tra và xử lý. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa đâu vào đâu...
Như vậy, mặc cho người dân, doanh nghiệp phải “oằn mình” đóng phí qua trạm, nhiều chủ đầu tư dự án BOT giao thông tại Bình Phước hàng ngày vẫn ung dung “hốt” bạc.