EU và nhiều nước chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 10-10, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, chiến dịch quân sự của nước này nhằm vào lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria đã chiếm giữ được nhiều mục tiêu và đang tiếp tục “thành công theo đúng kế hoạch đề ra”.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tuần tra chung với binh sĩ Mỹ tại thị trấn Tell Abyad, Syria, ngày 4-10. Ảnh: AFP/TTXVN
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tuần tra chung với binh sĩ Mỹ tại thị trấn Tell Abyad, Syria, ngày 4-10. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên trang mạng Twitter, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ kể từ khi chiến dịch bắt đầu ngày 9-10 đến nay, các máy bay chiến đấu và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh tạc 181 mục tiêu của lực lượng người Kurd ở Syria. Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự phản đối từ nhiều nước trong khu vực cũng như các nước phương Tây do lo ngại cuộc tấn công sẽ khiến các phần tử thánh chiến bị lực lượng người Kurd giam giữ tại khu vực này trốn thoát và tập hợp lực lượng trở lại, tạo điều kiện cho Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có cơ hội trỗi dậy trở lại. Theo kế hoạch, ngày mai (12-10), Liên đoàn Arab (AL) sẽ tiến hành một cuộc họp khẩn tại Cairo (Ai Cập) nhằm thảo luận về chiến dịch này.

Cùng ngày, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) Maja Kocijanci cảnh báo chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các tay súng người Kurd ở Đông Bắc Syria sẽ đảo ngược mọi hy vọng đạt tiến triển để hướng tới chấm dứt xung đột tại Syria. Dự kiến, các ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp ngày 14-10 tới tại Luxembourg để thảo luận về cuộc khủng hoảng này trước hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17-10. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, hơn 60.000 người đã phải sơ tán trong chưa đầy một ngày do chiến dịch trên.

Trước quan ngại trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cam kết: “IS sẽ không thể tái hiện diện trong khu vực này. Tôi đảm bảo với toàn thế giới”. Tổng thống Erdogan cũng đã kịch liệt bác bỏ sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế về chiến dịch quân sự này.

Tin cùng chuyên mục