EVFTA có hiệu lực: Cơ hội đón dòng đầu tư chất lượng cao

Dòng vốn đầu tư từ châu Âu được kỳ vọng sẽ dịch chuyển vào Việt Nam nhiều hơn, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8. Tuy nhiên, để thu hút nguồn vốn từ khu vực này, đòi hỏi Chính phủ cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa.

Nhiều kỳ vọng

Khi EVFTA còn khoảng 10 ngày nữa có hiệu lực thì Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) của Đan Mạch, thay mặt Quỹ Thị trường mới I, cùng với Asiapetro và Novasia Energy, đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với UBND tỉnh Bình Thuận để phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn. Với tổng chi phí vốn ước tính lên tới 10 tỷ USD, dự án có công suất lên đến 3,5GW này có thể nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên thế giới. Và sự hợp tác thành công giữa CIP, Asiapetro, Novasia Energy và Bình Thuận trong dự án này sẽ là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác vào các dự án điện gió ngoài khơi trên cả nước.

Sản xuất thiết bị đọc mã vạch tại Công ty Datalogic Việt Nam trong Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sớm hơn là Tesa đã công bố sẽ đầu tư khoảng 55 triệu EUR (tương đương 60,3 triệu USD) để mở nhà máy sản xuất băng dính công nghệ cao chuyên phục vụ ngành công nghiệp điện tử và ô tô. Theo kế hoạch, Tesa sẽ bắt đầu việc sản xuất vào năm 2023, với khoảng 140 nhân viên trong giai đoạn đầu. Theo doanh nghiệp đến từ Đức này, Việt Nam mang đến cho Tesa những cơ hội tốt để rút ngắn con đường đến với khách hàng, các nhà cung cấp tại Đông Nam Á và Trung Quốc. Hơn thế nữa, số lượng khách hàng quan trọng của Tesa đang chuyển tới Việt Nam ngày càng nhiều.

Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á, tầng lớp trung lưu gia tăng, nhìn vào tương lai có cơ hội chứng minh cho doanh nghiệp Ý nói riêng và khu vực EU nói chung thấy rằng, ngoài cơ hội sản xuất với chi phí giá rẻ, đầu tư vào Việt Nam còn tiếp cận thị trường ASEAN với hơn 600 triệu dân.

Ông ANTONIO ALESSANDRO, Đại sứ Ý tại Việt Nam


Không chỉ những nhà đầu tư mới mà các doanh nghiệp EU đang hoạt động ở Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, dù kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Đơn cử như AkzoNobel, công ty sơn và chất phủ hàng đầu thế giới, tuần vừa qua đã cho khởi công mở rộng nhà máy tại KCN Amata (tỉnh Đồng Nai) nhằm nâng cao công nghệ và năng lực sản xuất. Đây là một trong những nhà máy sản xuất sơn gỗ công nghiệp chiến lược của AkzoNobel có trụ sở ở Hà Lan, cung cấp sơn cho toàn khu vực Đông Nam Á. Ngoài sơn gỗ, nhà máy còn cung cấp các sản phẩm sơn phủ hiệu năng khác, bao gồm sơn phủ thép cuộn cho ngành kết cấu thép, sơn hàng hải và sơn bảo vệ.

Giám đốc phụ trách sản xuất khu vực châu Á của AkzoNobel, Frederic Moreux cho biết, dự án này một lần nữa khẳng định cam kết tăng trưởng của công ty tại thị trường Việt Nam. Thông qua việc nâng cấp và mở rộng, nhà máy của AkzoNobel tại KCN Amata sẽ đóng vai trò như một nhà máy đa chức năng, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh trong tương lai của tập đoàn trong khu vực. Đáng chú ý, khu vực mở rộng này sẽ là nhà máy xanh được xây dựng với trang thiết bị theo các tiêu chuẩn về phát triển bền vững tiên tiến như: điện năng lượng mặt trời, hệ thống thu gom nước mưa, hệ thống thu hồi dung môi. Đồng thời, nhà máy sẽ được áp dụng quy trình và hệ thống quản lý khối nguyên liệu thô, giúp hạn chế tối đa thải phế liệu bao bì.

Trong khi đó, Công ty Datalogic Việt Nam (Ý), chuyên sản xuất máy đọc mã vạch, sau 10 năm liên tục nâng công suất hiện đã đạt doanh thu hơn 200 triệu USD/năm, trở thành nhà máy lớn nhất trên thế giới của tập đoàn này. Ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Datalogic Việt Nam, cho biết đây là nhà máy duy nhất của Datalogic ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, luôn trong tư thế sẵn sàng tăng công suất khi nhu cầu thị trường trên thế giới tăng.

Hàng loạt doanh nghiệp khác đã có mặt ở Việt Nam như Bosch, Sonion, Nestlé, FrieslandCampina, Unilever... cũng tăng cường mở rộng đầu tư, phần nào cho thấy sự tin tưởng của các doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam. Tính tới tháng 5-2020, EU có hơn 2.000 dự án ở Việt Nam còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đạt 21,66 tỷ USD.

Theo ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các báo cáo khảo sát mới nhất về Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam. EuroCham khẳng định, cam kết hợp tác lâu dài để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hai bên cùng phát triển thành công trong thời gian tới; đồng thời tiếp tục quảng bá Việt Nam trở thành điểm đến cởi mở, cạnh tranh trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Cần cải thiện nhiều hơn nữa

EVFTA bắt đầu có hiệu lực được kỳ vọng giúp Việt Nam đón thêm dòng vốn đầu tư chất lượng từ các nhà đầu tư EU. Đáng chú ý, sau dịch Covid-19, các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh tập trung vào một thị trường đơn lẻ. Việt Nam hoàn toàn có lợi thế hơn so với các nước  khu vực trong việc thu hút vốn từ thị trường này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, dòng dịch chuyển vốn nhiều từ cú hích FTA này được dự báo sẽ chưa thể xuất hiện trong lúc này.

Mặt khác, theo Đại sứ Pier Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, dòng vốn FDI chất lượng từ EU sẽ chảy vào Việt Nam khi thương mại giữa hai bên tăng lên. Bởi lẽ, đầu tư thường đến sau hoạt động thương mại. Khi có hoạt động thương mại mạnh mẽ, những nhà đầu tư mới bắt đầu quan tâm. Ngoài ra, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) giúp các nhà đầu tư EU yên tâm đổ vốn vào Việt Nam, vẫn chưa được phê chuẩn cùng với EVFTA mà phải chờ các quốc hội thành viên thông qua mới có thể đi vào thực thi.

Nhìn về dài hạn, theo các chuyên gia, cơ hội thu hút dòng vốn từ EU rất lớn. Trong khu vực, ngoài Singapore, chỉ duy nhất Việt Nam có FTA với khu vực này. Trong khi đó, Singapore chỉ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, các doanh nghiệp EU nếu muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ nghĩ tới Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, quyết định dịch chuyển đầu tư sang một quốc gia nào đó là quyết định phức tạp, dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó, ưu đãi thuế chỉ là một phần, các doanh nghiệp EU sẽ đặc biệt quan tâm tới môi trường đầu tư, thủ tục hành chính minh bạch, khả năng thực thi và giải quyết tranh chấp, khả năng dự đoán chính sách.

Giới phân tích cho rằng, các đối tác EU có ưu thế về công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ sạch cũng như có tính minh bạch thực thi luật pháp, thực thi cam kết. Do đó, những dòng vốn FDI từ EU thông qua các dự án có thể giúp Việt Nam tiếp cận và bắt kịp các xu hướng phát triển mới của thế giới, thúc đẩy phát triển kinh tế mà không gây tổn hại các mục tiêu xã hội và môi trường. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, theo Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh, có ba vấn đề lớn mà các nhà đầu tư EU đang quan tâm khi đến Việt Nam là chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và thủ tục hành chính.

Thực tế, những vấn đề trên không chỉ của riêng doanh nghiệp EU, mà là của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, nhưng không thể cải thiện trong một sớm một chiều. Các nhà đầu tư EU mong muốn có một môi trường đầu tư và thương mại có thể dự đoán, ổn định và thân thiện với doanh nghiệp. “Các kiến nghị của thành viên EuroCham nếu được xem xét tháo gỡ, sẽ giúp Việt Nam khai thác trọn vẹn lợi ích của EVFTA và tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tăng trưởng, phát triển”, ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham lưu ý.

Tin cùng chuyên mục