FDI - chìa khóa hội nhập của Nam Á

HẠNH CHI

Nhiều thập kỷ gần đây đã chứng kiến một xu hướng tăng trưởng tiến tới hội nhập kinh tế khu vực. Nhưng Nam Á vẫn đang tụt lại phía sau và khu vực này duy trì sự hội nhập kém nhất thế giới. Nam Á chiếm 21% dân số thế giới, được tạo thành từ những nước có những mối quan hệ lịch sử và văn hóa sâu sắc. Tuy nhiên, thương mại trong vùng chỉ chiếm khoảng 5% tổng thương mại toàn cầu và chiếm 25% tổng thương mại ASEAN.

Thất bại của Nam Á là không hút được dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực, để giúp hội nhập khu vực được đẩy xa hơn nữa. Theo báo cáo của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển năm 2015, dòng chảy FDI đến Nam Á chỉ chiếm 3,4% tổng dòng chảy FDI toàn cầu năm 2014. Trong khi đó, dòng chảy này đến châu Âu chiếm 23,5%, Mỹ Latinh và khu vực Caribbe chiếm 13%. FDI vào Nam Á nhìn chung bị kiềm chế bởi 3 nhân tố.

Thứ nhất, chỉ số thuận lợi kinh doanh - một trong những chỉ số quan trọng nhất của dòng chảy FDI - rất đáng lo ngại. Theo báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới năm 2016, Nam Á xếp hạng 128 trong số 189, trong khi Đông Á - Thái Bình Dương xếp thứ 89 và Liên minh châu Âu xếp thứ 31.

Nhân tố thứ hai hạn chế dòng vốn FDI là khung pháp lý phức tạp và hạn chế của Nam Á. Chẳng hạn, có một loạt các quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải vượt qua khi bắt đầu kinh doanh và xác định vị trí tại thị trường các nước này. Các vấn đề pháp lý thì chung chung, thiếu minh bạch và chứng từ phức tạp... cũng là thảm họa của môi trường kinh doanh. Tại những nền kinh tế này, tốn thời gian làm giấy tờ, tham nhũng và các loại hình thương mại ở thế giới ngầm cũng đã góp phần tạo nên một môi trường đầu tư không ổn định. Luật pháp thiếu chặt chẽ và an ninh lỏng lẻo cũng góp phần vào các vấn đề pháp lý của Nam Á. Trong những năm gần đây, luật pháp và trật tự trong khu vực xuống cấp đến mức nước ngoài phải đưa những cảnh báo về du lịch tại một số địa phương.

Nhân tố thứ ba ngăn các dòng chảy FDI là chất lượng hoặc thiếu thốn cơ sở hạ tầng vật lý. Cải thiện sơ sở hạ tầng là cần thiết để gặt hái những lợi ích trong hội nhập khu vực. Mặc dù Nam Á đã có những bước tiến để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng vật lý - như mở rộng đường quốc gia và mạng lưới đường sắt - nhưng nó vẫn tiếp tục là vấn đề lớn. Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016 cho thấy, Pakistan xếp hạng 98, Ấn Độ 74, Bhutan 72 và Nepal 127 trong số 140 nước trong bảng xếp hạng chất lượng chỉ số cơ sở hạ tầng.

Trong số báo ra ngày 11-5, Báo Eastasiaforum cho rằng, các biện pháp cải cách chính là bắt buộc đối với Nam Á để thúc đẩy dòng FDI vào khu vực. Những cải cách này nên sắp xếp từ việc tạo ra cơ chế chứng từ một cửa đến nâng cấp mạng lưới đường bộ và cải thiện kết nối thực sự. Các chính phủ trong khu vực nên dùng cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” để đảm bảo trách nhiệm giải trình và tính minh bạch ở tất cả các cấp kinh doanh. Nếu không có thể chế hội nhập, mà chính phủ có thể phát triển và thực thi các quy định riêng của họ, thì những vấn đề này sẽ tiếp tục là vật cản đối với Nam Á và hội nhập kinh tế khu vực vẫn còn là mục tiêu xa vời.


HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục