FED điều chỉnh chính sách tiền tệ: Giới đầu tư nín thở theo dõi

Ngày 17-9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cuộc họp định kỳ về chính sách tiền tệ. Sự chú ý của giới đầu tư khắp thế giới đang đổ dồn vào việc FED sẽ đưa ra quyết định như thế nào về lãi suất cơ bản, trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn.
Giá vàng tại Mỹ và châu Á đều giảm trước thềm cuộc họp tiền tệ của FED. Ảnh: Reuters
Giá vàng tại Mỹ và châu Á đều giảm trước thềm cuộc họp tiền tệ của FED. Ảnh: Reuters

Ảnh hưởng diện rộng

Đài KBS, Hàn Quốc dẫn lời ông Kim Dae-ho, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu, cho biết, giới đầu tư hầu như tin chắc vào khả năng điều chỉnh lãi suất cơ bản của FED. Theo trang MarketWatch, thị trường tài chính Mỹ đang kỳ vọng FED hạ lãi suất 0,25% khi kết thúc cuộc họp vào ngày 18-9, giảm lãi suất tham chiếu về khoảng 1,75%-2%. Dữ liệu trên sàn CME ở New York cũng cho thấy các nhà giao dịch đặt cược khả năng 78,5% FED cắt giảm 0,25% lãi suất trong lần họp này. Hôm 31-7, FED đã hạ 0,25% lãi suất cơ bản, thấp hơn so với con số kỳ vọng của thị trường là 0,5%.

Quyết định lãi suất của FED sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia khác. Khi lãi suất cơ bản tại Mỹ được hạ, USD sẽ giảm giá. Xu thế USD yếu sẽ khiến các đơn vị tiền tệ lớn khác như yen Nhật và EUR mạnh lên. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, việc cắt giảm lãi suất của Mỹ sẽ kéo theo động thái tương tự tại nhiều quốc gia khác. Một số nước như New Zealand, Ấn Độ và Thái Lan cũng đã cắt giảm lãi suất cơ bản. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) hồi tháng 7 cũng đưa ra quyết định bất ngờ hạ lãi suất. Trong bối cảnh đó, việc Washington có khả năng cắt giảm lãi suất bổ sung, có thể khiến Seoul hạ lãi suất một lần nữa vào tháng 10 và trong năm tới. Lãi suất hạ đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ giảm bớt gánh nặng trả lãi cho các khoản vay, từ đó có thể mở rộng sản xuất mà không cần vay thêm vốn. Lãi suất thấp sẽ đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp mắc nợ cao, góp phần kích thích nền kinh tế toàn cầu.

Ngân hàng thổi phồng mối lo

Theo Reuters, các ngân hàng lớn của Mỹ bày tỏ quan ngại việc hạ lãi suất của FED sẽ tạo ra một cú sốc lớn đối với tỷ lệ lợi nhuận của họ. Lãi suất thấp hơn có nghĩa là lợi nhuận thu về đối với mỗi khoản vay sẽ giảm, đặc biệt là đối với những ngân hàng đang thực hiện chính sách lợi nhuận tiền gửi cao để thu hút khách hàng. Trong báo cáo công bố hôm 12-9, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cảnh báo rằng mức lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm lợi nhuận ngân hàng nói chung và thúc đẩy nhiều thương vụ sáp nhập trong ngành.

Giám đốc Điều hành JP Morgan Chase Jamie Dimon cho biết, ngân hàng này ước tính thu nhập ròng từ lãi suất trong cả năm 2019 vào khoảng 57 tỷ USD, thấp hơn so với mức dự báo 58 tỷ USD hồi đầu năm. Ông C.J.Dimon cho biết, JP Morgan sẽ ứng phó với môi trường lãi suất thấp bằng cách quản lý chặt chi phí và thu thêm phí quản lý tài khoản người dùng.

Mặc dù vậy, ở một góc nhìn khác, một số chuyên gia ngân hàng lại cho rằng mối tương quan giữa lãi suất và lợi nhuận ngân hàng đang bị thổi phồng và mọi chuyện không quá tồi tệ đến như vậy. Marty Mosby, Giám đốc Công ty Dịch vụ môi giới tài chính Vining Sparks, nhận định: “Việc cắt giảm lãi suất có thể kiểm soát được nếu suy thoái kinh tế không xảy ra” và trên thực tế, một số ngân hàng đã đưa ra chiến lược để giảm thiểu rủi ro về lãi suất.

Giá vàng thế giới ngày 17-9 đảo chiều đi xuống. Nhà đầu tư đã chốt lời khi vàng tăng 1% trong phiên hôm qua, chờ đợi FED công bố chính sách tiền tệ và lãi suất mới. Chốt phiên giao dịch ngày 16-9 tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay ở mức 1.499 USD/ounce, giảm 7USD so với chốt phiên trước đó. Trong phiên mở cửa sáng 17-9, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở mức 1.498 USD/ounce, giảm 10USD so với giao dịch cùng thời điểm này sáng 16-9.

Tin cùng chuyên mục