Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) của Mỹ ngày 24-6 đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản từ 0% đến 0,25% (được áp dụng từ tháng 12-2008), để duy trì sự hồi phục kinh tế. Quyết định này đã được 9/10 thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc FED bỏ phiếu ủng hộ vì họ cho rằng kinh tế Mỹ vẫn có thể gặp nhiều thử thách trong thời gian tới.
Theo nhà kinh tế Marc Chandler, mức lãi suất thấp sẽ khuyến khích người Mỹ chi tiêu nhiều hơn, qua đó giúp thúc đẩy nền kinh tế nước này. Đây cũng chính là nguyên nhân FED tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp thêm một thời gian nữa. Trong khi đó, ông Alan Levenson, một chuyên gia kinh tế của quỹ đầu tư T. Rowe Price cho rằng trong bối cảnh sự hồi phục kinh tế tương đối thấp như hiện nay (tăng trưởng GDP khoảng 3%) thì lãi suất sẽ không tăng trước giữa năm 2011.
Ông Thomas Hoenig, Giám đốc FED tại thành phố Kansas là thành viên duy nhất của FOMC đã phản đối quyết định kéo dài thời gian giữ lãi suất thấp. Ông Thomas Hoenig cho rằng giữ lãi suất thấp trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát và dẫn đến việc các nhà đầu tư chấp nhận chịu rủi ro quá mức, làm tăng bong bóng đầu cơ giá các tài sản như chứng khoán, trái phiếu và hàng hóa.
Trong khi đó, theo tạp chí trực tuyến www.moneyandmarkets.com (MaM), hệ các chỉ số kinh tế hàng đầu (LEI) do Ủy ban Hội nghị (CB), công bố hàng tháng và hệ chỉ số kinh tế hàng đầu của Mỹ do Viện Nghiên cứu chu kỳ kinh tế (ECRI) công bố hàng tuần là các hệ chỉ số rất có uy tín về đánh giá sức khỏe của nền kinh tế Mỹ đều đưa ra những kết quả không mấy khả quan, báo động nguy cơ suy thoái của Mỹ. Tuy nhiên, nhà kinh tế Lakshman Achuthan của ECRI cho rằng thời điểm hiện tại chưa đủ để khẳng định nền kinh tế Mỹ chắc chắn rơi vào một cuộc suy thoái mới nhưng điều không thể phủ nhận là nguy cơ này đang tăng lên đáng lo ngại.
T.Quy