G20 cam kết duy trì đà phục hồi kinh tế toàn cầu

Tổng thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres vừa lên tiếng kêu gọi các nền kinh tế lớn nhất thế giới đẩy nhanh kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn cầu, mở rộng việc giảm nợ cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng do đại dịch và tăng cường tài trợ bảo vệ khí hậu.

Mối đe dọa từ chênh lệch tiêm chủng

Theo trang web của LHQ, TTK Antonio Guterres khẳng định: “Để khôi phục lòng tin vào chủ nghĩa đa phương, chúng ta cần cung cấp vaccine, phục hồi kinh tế và tài trợ bảo vệ khí hậu”.

Thông điệp này phát bằng video gửi tới hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khai mạc ngày 10-7 tại Venice, Italy. Theo TTK LHQ, với sự lãnh đạo và ý chí chính trị của G20, LHQ tin là nhóm có thể thực hiện được những yêu cầu trên.

G20 cam kết duy trì đà phục hồi kinh tế toàn cầu ảnh 1 An ninh được tăng cường ở Venice trong thời gian diễn ra hội nghị của G20

TTK Antonio Guterres cũng cảnh báo về mối đe dọa từ khoảng cách chênh lệch trong tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 toàn cầu. Ông Guterres nhấn mạnh: “Các cam kết về liều lượng và kinh phí mua vaccine đều được hoan nghênh - nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới để chấm dứt đại dịch này”.

TTK LHQ lặp lại lời kêu gọi của ông về Kế hoạch vaccine toàn cầu, theo đó sẽ tăng gấp đôi sản lượng và đảm bảo phân phối liều lượng công bằng thông qua Cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vaccine Covid-19 (COVAX).

Bên cạnh việc phân phối vaccine Covid-19 công bằng, TTK Antonio Guterres cho rằng thế giới vẫn đang vật lộn để giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng lên không quá mức mục tiêu 1,5oC theo Thỏa thuận Paris. Ông thúc giục G20 thực hiện cam kết của nhóm đạt được mức khí thải CO2 bằng 0 vào giữa thế kỷ này và thực hiện các đóng góp nhằm mục tiêu cắt giảm 45% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010. 

Tăng cường quỹ đối phó đại dịch            

Cuộc họp của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G20 tại Venice là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của nhóm kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Theo nhận định của nhóm các chuyên gia khi báo cáo trước hội nghị, đại dịch Covid-19 có thể chỉ là tiền đề cho những đại dịch ngày càng nguy hiểm trong tương lai và các chính phủ cần dành 75 tỷ USD trong 5 năm tới chuẩn bị ứng phó với những cuộc khủng hoảng này.

Nhóm chuyên gia đã xác định 4 lĩnh vực hành động chính: giám sát bệnh truyền nhiễm, sức chống đỡ của các hệ thống y tế quốc gia, việc cung cấp và phân phối vaccine cùng các loại thuốc điều trị khác và quản trị toàn cầu.

Cũng theo báo cáo này, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ cần bổ sung khoảng 1% GDP chi cho y tế trong 5 năm tới. Với cương vị là Chủ tịch luân phiên G20, Italy sẽ xem xét các khuyến nghị trên trước khi tổ chức hội nghị chung các bộ trưởng y tế và tài chính vào tháng 10 tới.

Về việc hỗ trợ các nước nghèo chống đại dịch Covid-19, các bộ trưởng G20 kêu gọi phân phối vaccine nhanh hơn cũng như thuốc điều trị và sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 trên toàn thế giới, nhưng không đưa ra cam kết mới nào cho mục tiêu này.

G20 cũng kêu gọi IMF chủ trì việc phân bổ nguồn lực phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế tới các quốc gia nghèo hơn. Về phần mình, G20 cam kết tiếp tục duy trì đà phục hồi kinh tế của toàn cầu, tránh rút lại bất kỳ biện pháp hỗ trợ nào.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G20 ngày 10-7 đã ủng hộ thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia trốn thuế. Sáng kiến này sẽ trình các nhà lãnh đạo G20 phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm ở Rome (Italy) tháng 10 tới. Thỏa thuận đặt ra một mức thuế công ty tối thiểu toàn cầu ít nhất 15% nhằm ngăn cản các công ty đa quốc gia như Amazon và Google tìm cách chuyển lợi nhuận đến nơi đánh thuế thấp.

Tin cùng chuyên mục