Đoàn kết chống dịch
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống lại đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo G20 tuyên bố, việc đối phó với đại dịch cũng như những tác động về y tế, xã hội và kinh tế là “ưu tiên tuyệt đối của nhóm”. Theo G20, phương hướng đối phó cần phải minh bạch, vững chắc, có quy mô lớn và đòi hỏi sự phối hợp.
Các nhà lãnh đạo G20 cam kết khôi phục lòng tin, giữ vững sự ổn định tài chính, khôi phục tăng trưởng và trở lại mạnh mẽ hơn. G20 cũng cam kết trợ giúp tất cả các quốc gia đang gặp khó khăn cũng như phối hợp mọi biện pháp y tế công cộng và tài chính cần thiết để chống lại đại dịch, bảo vệ người dân, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất.
Tuyên bố cũng nêu rõ, G20 cam kết chia sẻ mọi dữ liệu y tế và nghiên cứu dịch bệnh, tăng cường hệ thống y tế toàn cầu và mở rộng năng lực sản xuất các mặt hàng y tế. Các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết tăng cường vai trò của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc phối hợp chống lại dịch Covid-19. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 diễn ra khi số người chết do Covid-19 toàn cầu tăng vọt lên gần 21.000, hơn 471.000 người mắc và hơn 3 tỷ người đã bị cách ly ở nhà. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cùng kêu gọi G20 giảm nợ cho các nước nghèo nhất nhằm giúp họ đối đầu với các thách thức do dịch Covid-19 gây ra.
Trong một tuyên bố chung gửi G20 ngày 25-3, WB và IMF nêu rõ, dịch Covid-19 có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng trên phương diện kinh tế và xã hội tại các nước nghèo nhất, vốn phải dựa vào Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của WB. Tuyên bố nhấn mạnh: “Với các tác động trước mắt - và phù hợp với luật pháp quốc gia của các nước tài trợ - WB và IMF kêu gọi tất cả chủ nợ ngừng đáo hạn nợ cho các nước được vay tiền theo IDA. Việc này sẽ giúp các nước dựa vào IDA có khả năng thanh khoản trước mắt cần thiết để đối phó với các thách thức của dịch bệnh và có thêm thời gian đánh giá tác động khủng hoảng cũng như nhu cầu tài chính của mình”. Cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Reberto Azevedo cho biết, hoạt động thương mại trên thế giới đang giảm rất mạnh, đòi hỏi một giải pháp toàn cầu để giải quyết thách thức do dịch Covid-19 gây ra.
Theo AP, ông Ian Bremmer, chủ tịch và người sáng lập của nhóm nghiên cứu Eurasia, cho rằng, không giống như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, khi mà G20 đã có nhiều phản ứng mang tính tích cực, lần này G20 đã quá chậm chạp trong việc đưa ra các đối sách, thậm chí, có thể xem như là biến mất khỏi các nỗ lực chung của toàn cầu.
Hành động đơn lẻ kém hiệu quả
Thị trường chứng khoán châu Á và Mỹ ngày 26-3 tiếp tục rớt giá bất chấp Mỹ tiến gần hơn tới việc thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD. Bên cạnh đó, Bộ lao động Mỹ cho biết có 3,28 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần từ 14 đến 21-3, đây sẽ là mức thất nghiệp cao nhất từng được ghi nhận trong tuần tại Mỹ và một số người tin rằng con số trên có thể còn cao hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong khi dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bùng nổ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắm vào Trung Quốc khi nói rằng ngoại trưởng của nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đồng ý với ông rằng, Bắc Kinh đang tiến hành một chiến dịch “ém thông tin” về đại dịch. Tại cuộc hội đàm G7, một ngày trước hội nghị G20, ông Pompeo cáo buộc Bắc Kinh đã thực hiện một chiến dịch truyền thông xã hội bao gồm các thuyết âm mưu rằng Mỹ là tác nhân gây ra Covid-19.
Theo ông Markus Engels, nhà phân tích tại tổ chức Sáng kiến giải pháp Toàn cầu, nếu các nhà lãnh đạo G20 có thể đặt chính trị sang một bên và đạt được thỏa thuận G20 tập thể, thế giới mới có thêm cơ hội để vượt qua khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Ngoài ra, bất đồng giữa Saudi Arabia và Nga xung quanh sản lượng dầu khai thác đã đẩy dầu rớt giá mạnh, tác động không nhỏ đến tình hình chung của kinh tế thế giới.
* Văn phòng khu vực châu Âu của WHO ngày 26-3 cho biết, đã nhận thấy “những tín hiệu khích lệ” khi tỷ lệ các ca mắc Covid-19 mới ở Italy đã thấp hơn, tuy nhiên vẫn thận trọng cho rằng còn quá sớm để nói tình hình tồi tệ nhất đã qua. HUY QUỐC -------------- * Chia sẻ với các nhà lãnh đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đoàn kết, hợp tác, phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch Covid-19; nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã và đang cùng các nước ASEAN đề cao tinh thần Cộng đồng “gắn kết và chủ động thích ứng” thực hiện mạnh mẽ các biện pháp, phối hợp hành động chống Covid-19, đồng thời hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với nhiều nước G20 và các đối tác. |