Gạch nối từ con sông của thành phố

Bản đồ điện tử “Sông Sài Gòn - Con sông của thành phố tôi” đang dần lan tỏa tinh thần tự hào lịch sử, văn hóa, truyền thống của thành phố đến người trẻ. Một bản đồ hữu ích, ý nghĩa thực hiện bằng sự kết nối, sức trẻ và trên hết là tình yêu với thành phố.

Cầu nối lịch sử

“Hay quá nè! Bấm vào mục quận Bình Thạnh hiện lên các công trình, di tích lịch sử như Đình Thần Bình Quới Tây, Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, Chùa Văn Thánh. Bấm ngược về Củ Chi, có Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Địa đạo Bến Đình. Bấm mục huyện Hóc Môn hiện lên Dinh quận Hóc Môn, Khu tưởng niệm lịch sử Ngã Ba Giồng…

Bên cạnh việc chỉ đường đi dễ tìm, cứ rê chuột vào các địa điểm sẽ hiện thông tin cụ thể, súc tích về nơi đó”, chị Lê Thị Hiền (28 tuổi, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán - Sở KH-CN TPHCM) khen ngợi khi lướt xem bản đồ điện tử “Sông Sài Gòn - Con sông của thành phố tôi”. 

Theo chị Lê Thị Hiền, nhiều công trình, địa điểm lịch sử của thành phố dường như gắn chặt, hay ít nhiều có liên quan đến sông Sài Gòn. Nhìn trên bản đồ, dòng sông cứ uốn lượn qua biết bao nẻo đường, ngã phố, từ trung tâm về vùng ven và cứ thế âm thầm kết nối các di tích lịch sử, những mạch nguồn truyền thống tồn tại qua nhiều năm tháng.

“Lướt xem phía quận Gò Vấp, thấy thông tin Miếu nổi Phù Châu hay quá mà đó giờ mới biết. Miếu được hình thành vào khoảng thế kỷ XVIII, được xây dựng trên cù lao, bốn bề bao quanh sông nước. Năm 2010, miếu nổi được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Mình thích đạp xe quanh thành phố, nên nhất định sẽ cùng một số người bạn ghé qua đây”, Hiền hào hứng nói. 

Gạch nối từ con sông của thành phố ảnh 1 Di tích số hóa trên bản đồ điện tử “Sông Sài Gòn - Con sông của thành phố tôi”

Có dịp đến Long Hoa Cổ Tự (chùa Long Hoa) gần nhà sau khi tìm hiểu trên bản đồ điện tử “Sông Sài Gòn - Con sông của thành phố tôi”, Thanh Tâm (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) cho biết, khá bất ngờ vì chùa đặc biệt hơn bạn tưởng nhiều. Thanh Tâm nói: “Trước đây, mình chỉ biết chùa là nơi nuôi dạy trẻ em mồ côi, từ thông tin và chỉ dẫn bản đồ đến nơi, biết thêm chùa đã xây dựng được cả trăm năm. Dù kiến trúc rất đơn sơ nhưng ngôi chùa lại mang trong mình ý nghĩa lịch sử lớn lao. Đây là nơi trú ẩn an toàn cho rất nhiều chiến sĩ du kích trong thời gian Mỹ - ngụy đàn áp dã man phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam. Người trẻ bây giờ có quá nhiều thứ để vui chơi, xem nghe đọc nên mình nghĩ bản đồ điện tử này tích hợp các điểm đến, hướng dẫn cách đi, thông tin ngắn gọn, vừa phải, cũng là một dự án hay, gợi mở các bạn đi và tìm hiểu nhiều hơn. Thông qua các địa điểm, người trẻ hôm nay hiểu rõ, trân trọng hơn các giá trị truyền thống quý báu”.

Số hóa di tích

“Có ai Phú Mỹ, Nhà Bè/ Nhớ chăng trận đánh ở Gò Ô Môi/ Bao năm chiến sự qua rồi/ Nhắc cho hậu thế đời đời chớ quên”… Gò Ô Môi - nơi 3 chiến sĩ du kích hy sinh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ hiện nằm trên đường Đào Trí, khu phố 1, phường Phú Thuận, quận 7. Với lợi thế kín đáo, nằm sâu trong khu vực đầm ruộng, được che phủ bởi những khóm dừa nước, vào năm 1965, Gò Ô Môi được đồng chí Hoa Văn Tân chọn làm nơi đào hầm bí mật và thành lập tổ chức du kích hoạt động cách mạng”. Thông tin ngắn gọn kèm hình ảnh Gò Ô Môi được số hóa gần gũi, cụ thể trên bản đồ điện tử “Sông Sài Gòn - Con sông của thành phố tôi”. 

Không chỉ Gò Ô Môi, hàng loạt điểm di tích lịch sử được số hóa trong một bản đồ online dễ sử dụng. Để thực hiện bản đồ này, một “Hành trình thành phố tôi yêu” đã được tuổi trẻ 9 địa phương có sông Sài Gòn chảy qua gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn, TP Thủ Đức, các quận 1, 4, 7, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh chung tay xác lập, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành đoàn, Ban Chỉ huy Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ TPHCM năm 2022.

Trên cơ sở đó, Thành đoàn TPHCM thực hiện giai đoạn 1 công trình.  Đã có các hành trình tìm hiểu di tích lịch sử, công trình trọng điểm trên địa bàn; các đội hình chuyên “Cầu nối lịch sử” thu thập hình ảnh, thông tin và thiết kế các ấn phẩm tuyên truyền cho từng điểm và cả tuyến hành trình, theo đúng phương châm “Đến tận nơi - Sờ tận tay - Nhìn tận mắt”. 

“Trong giai đoạn 1 thực hiện các nội dung trọng tâm: tái hiện bức tranh lịch sử của dòng sông trong chiều dài lịch sử TPHCM nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung; tái hiện về mặt dữ kiện các công trình kiến trúc, di tích lịch sử - văn hóa, các địa danh lịch sử gắn với sông Sài Gòn. Giai đoạn 2 sẽ có thêm nhiều tính năng như: chỉ dẫn đường đi đến địa điểm, bình luận, các bạn trẻ đến tham quan chia sẻ thêm thông tin trực tiếp trên bản đồ…”, đại diện nhóm thực hiện chia sẻ.

Bản đồ “Sông Sài Gòn - Con sông của thành phố tôi” là một trong những công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TPHCM lần thứ XI, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Cách thức xem bản đồ: Bước 1 truy cập vào link http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/; bước 2 vào banner “Sông Sài Gòn - Con sông của thành phố tôi” hoặc truy cập vào link https://riverside-location.vercel.app

Tin cùng chuyên mục