Gameshow trí tuệ được chờ đợi

Diễn biến dịch Covid-19 ngày một phức tạp khiến người dân phải hạn chế ra ngoài và tụ tập nơi đông người, đây cũng là thời điểm để các đơn vị tổ chức, các nhà đài có thể tung ra các chương trình hay, mới lạ phục vụ khán giả.

Được lòng khán giả nhất trong thời gian vừa qua phải kể đến là sự chuyển mình của các nhà đài khi cho ra mắt hàng loạt gameshow thiên về trí tuệ, hoặc giải trí bằng trí tuệ như: Chọn đâu cho đúng, Vượt thành chiến, 100 triệu 1 phút, Siêu trí tuệ Việt Nam… thay vì chỉ đầu tư vào những chương trình thuần giải trí như trước đây.

Không còn quẩn quanh những gương mặt diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng xuất hiện từ chương trình này tới chương trình khác, không còn các chương trình thi thố tài năng, ca hát với kịch bản na ná nhau, nội dung những chương trình và nhân vật đã được đổi mới liên tục. Truyền hình đã “lắng nghe” khán giả hơn.

“Đợt trước cứ mở tivi lên là tui mắc mệt với các chương trình ca nhạc, thi thố hát hò nhiều quá, nhàm tới mức người thắng cuộc xong cũng chẳng ai nhớ tên. Bao nhiêu nhà đài khai thác các cuộc thi hát. Chỉ hát bolero mà có mấy kênh lận, như vậy không ngán mới lạ. Tui và cả gia đình đều thích chương trình liên quan đến trí tuệ, giải trí vui kết hợp trả lời những câu hỏi có kiến thức mới. Ca hát thì nên có, nhưng vừa phải thôi”, bạn tôi - một người mê ca nhạc cũng phải lên tiếng.

Gameshow về trí tuệ không chỉ phục vụ được khán giả nhiều lứa tuổi mà còn tạo những hiệu ứng tích cực cho người xem, đó là sự tự hào về con người Việt Nam, về trí tuệ Việt Nam.

Đơn cử như các cháu tôi, ở cái tuổi mê iPad và YouTube nhất, thì nay cứ tới giờ phát sóng những chương trình như Ai là triệu phú, Đường lên đỉnh Olympia hay Vượt thành chiến, Siêu trí tuệ Việt Nam… là tụi nhỏ tự động ngồi ngay ngắn trước tivi, háo hức đón xem. Những gameshow này có nội dung kích thích tâm lý tuổi mới lớn, khiến con trẻ khâm phục tài năng của nhân vật, từ đó có động lực học tập hơn.

Kiến thức là vô hạn, chính vì vậy những chương trình thử thách trí tuệ như Ai là triệu phú đã qua 15 năm phát sóng hay “tường thành” của học sinh như Đường lên đỉnh Olympia bước vào năm thứ 20 vẫn luôn có chỗ đứng vững vàng trong lòng khán giả bởi tính cập nhật và bổ ích. Nhờ có sự chuyển mình kịp thời của các nhà đài mà giờ đây chúng tôi mới có dịp háo hức để chờ đón xem một chương trình hay gameshow truyền hình nào đó.

Mong rằng các nhà đài sẽ tiếp tục cho ra mắt nhiều hơn nữa những chương trình mới, bộ phim mới có nội dung bổ ích, từ đó dần lấy lại thiện cảm và kích cầu khán giả ủng hộ cho truyền hình nước nhà nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục