Gần 900.000 lao động “3 tại chỗ” sẽ được hỗ trợ thêm tiền bữa ăn

Chiều 24-8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố báo cáo cập nhật về tình hình sản xuất của doanh nghiệp và công nhân lao động trên cả nước trong bối cảnh dịch Covid-19 và quyết định hỗ trợ mỗi công nhân lao động tại các doanh nghiệp "3 tại chỗ" với mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người (tiền bữa ăn).
Để tiếp tục hỗ trợ thêm cho người lao động trong tình hình dịch kéo dài, khó khăn chồng chất, ngày 24-8, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Phan Văn Anh đã ký Quyết định số 3089 về việc hỗ trợ thêm tiền bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. 
Theo đó, mức hỗ trợ cho bữa ăn là 1 triệu đồng/người (hỗ trợ một lần) từ nguồn kinh phí do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cấp hỗ trợ cho công đoàn cơ sở bằng nguồn tài chính tích lũy của đơn vị. Trong trường hợp công đoàn cấp trên trực tiếp của cấp cơ sở không đủ kinh phí thì Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành, tổng công ty trực thuộc… sẽ cấp bù hỗ trợ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu công đoàn cơ sở báo cáo số lượng đoàn viên, người lao động được doanh nghiệp huy động để thực hiện “3 tại chỗ”. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 24-8. 
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (bên trái ảnh) tiễn cán bộ y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào TPHCM chống dịch. Ảnh: Tổng LĐLĐVN

Trước đó, vào ngày 6-8, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã có quyết định hỗ trợ tiền ăn tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế đang chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Theo dự kiến, tổng mức hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng.

Tính đến ngày 20-8, cả nước có 93 trường hợp là cán bộ công nhân viên chức tử vong do mắc Covid-19 hoặc do tiêm vaccine. Cùng với hàng trăm nghìn lao động là F1, F2 phải cách ly, phong tỏa, có 4.398 doanh nghiệp phải dừng hoặc tạm dừng hoạt động, hoặc phải thu hẹp sản xuất, giải thể; 1.306.085 người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn đang có 1.036 doanh nghiệp với 84.636 công nhân lao động vừa cách ly, phong tỏa vừa tiếp tục sản xuất và 9.093 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” với 873.091 công nhân lao động “ăn - ngủ - làm việc” tại doanh nghiệp (trong đó có 8.405 doanh nghiệp với 819.557 công nhân lao động ở 19 tỉnh phía Nam và Hà Nội). 
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang tới thăm CNLĐ tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Tổng LĐLĐVN

Về kết quả hỗ trợ đoàn viên lao động, đến nay, công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động từ hai nguồn gồm: tài chính công đoàn và xã hội hóa với tổng số tiền là 1.495,826 tỷ đồng.

Riêng về kết quả thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành ngày 1-7-2021 về chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, đến nay theo báo cáo của 18 tỉnh, thành phố đã có 484.477 người lao động khó khăn được hỗ trợ với tổng số tiền là 672,5 tỷ đồng và có 154.133 doanh nghiệp khó khăn được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền là 997,7 tỷ đồng. 

Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo, đến nay, đã có 1.333.426 công nhân lao động tại 5.527 doanh nghiệp trên cả nước được tiêm vaccine. Cả nước có 3.326 doanh nghiệp thành lập được 30.384 “tổ an toàn với Covid-19”. 

Tin cùng chuyên mục