Cận tết, tại các chợ, trung tâm thương mại ở TPHCM, nguồn hàng tăng nhiều, lượng người đến giao thương, mua sắm đông; thế nhưng, việc chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy của ban quản lý chợ cũng như tiểu thương ở rất nhiều chợ còn lơ là, bỏ ngỏ. Thực tế này đẩy nguy cơ cháy ở nhiều chợ hiện lên mức báo động!
![]() |
Những ngày cận tết, các chợ thường đông khách, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Ảnh: Thành Trí
“Giỡn mặt” với “bà hỏa”
Tọa lạc trên khu đất rộng 22.000m², trong đó diện tích xây dựng khoảng 14.000m², chợ Tân Bình (quận Tân Bình) là khu chợ chuyên doanh vải, quần áo lớn nhất TPHCM. Hiện chợ có 3.336 sạp với 2.923 hộ kinh doanh, mỗi ngày tại đây có hơn chục ngàn lượt người đến trao đổi, mua bán hàng hóa, đặc biệt thời điểm gần tết, có ngày lượng khách đến chợ gấp đôi ngày thường; thế nhưng, việc thực hiện các quy định về PCCC ở đây đang rất đáng lo ngại. Ghi nhận của chúng tôi tại các khu IA, 3C, IVE… vào một ngày đầu tháng 1-2017, toàn bộ hệ thống báo cháy tự động trong chợ bị tê liệt, không hoạt động. Nhiều sạp, tiểu thương không trang bị bình chữa cháy CO2, một số sạp có trang bị nhưng lại để ở nơi khó lấy, hàng hóa che kín. Chưa hết, trong các quầy sạp, tiểu thương câu mắc điện không đảm bảo kỹ thuật an toàn điện, dây điện chắp nối quấn vào các cột sắt, không có máng chụp, bảo vệ; bóng điện, ổ cắm để sát vào hàng hóa. Nguy hiểm hơn, nhiều tiểu thương là nam còn vô tư hút và vứt tàn thuốc ngay dưới sạp vải.
Ngoài một số vi phạm tương tự như trên, ở các chợ Kim Biên, An Đông (quận 5), Bến Thành, Tân Định (quận 1), Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp)… còn tồn tại nhiều lỗi vi phạm khác như để tiểu thương chất hàng hóa chiếm gần hết lối đi, cũng là lối thoát hiểm, một số tiểu thương bán hàng thực phẩm khô còn sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa trái quy định ngay trong chợ. Nhiều người đi chợ phải đặt câu hỏi: Ban quản lý, bảo vệ chợ ở đâu khi các vi phạm về an toàn cháy nổ trong chợ diễn ra tràn lan?
Đáng lo ngại nhất, tại chợ đêm Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), nhiều tiểu thương vi phạm các lỗi an toàn điện, dễ gây cháy. Tại quầy ăn uống, chủ các quầy hàng dùng dây điện bóc vỏ cắm trực tiếp vào ổ cắm, không sử dụng phích cắm; để dây điện chắp nối, ổ cắm điện dưới sàn nhà khi sàn nhà lênh láng nước.
Xử nghiêm và tái kiểm
Nguy cơ cháy tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình) báo động như vậy nhưng ông Huỳnh Phương Vũ, Phó ban quản lý chợ này, cho rằng phía ban quản lý đã làm hết trách nhiệm. Giải thích về việc để tiểu thương hút thuốc trong chợ, ông này cho biết: “Nhân viên ban quản lý và bảo vệ chợ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, khi phát hiện sẽ xử phạt. Tuy nhiên khó mà quản lý, giám sát hết hàng ngàn con người trong chợ. Ban quản lý chỉ biết tên, biết mặt và làm việc với chủ sạp, còn nhân viên chủ sạp thuê đứng bán hàng mà hút thuốc thì khó xử, vì họ tránh né bằng cách không nhận là người của tiểu thương, lúc đó chúng tôi cũng chỉ biết nhắc nhở. Bảo vệ quay lưng đi thì họ lại hút (!)”.
Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn - Chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát PCCC TPHCM), đánh giá nguy cơ cháy chợ Tân Bình là rất lớn. Theo ông Quan, đợt kiểm tra về công tác PCCC tại chợ này vào ngày 4-1 của đoàn kiểm tra liên ngành TP cho thấy gần như tất cả các nội dung về PCCC ở đây không được đảm bảo. “Nếu ban quản lý chợ không sớm khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm về PCCC, sự cố cháy rất dễ xảy ra, hậu quả sẽ rất khó lường. Chưa kể, chợ Tân Bình đưa vào sử dụng đã hàng chục năm, hiện một số vị trí kết cấu bên trong (bê tông bong tróc, cốt thép hư hỏng), nếu cháy lớn, rất dễ sập chợ, khi đó thiệt hại còn lớn hơn”, đại tá Quan cảnh báo. Trong đợt kiểm tra, Cảnh sát PCCC TPHCM đã yêu cầu Phòng Cảnh sát PCCC quận 11 (quản lý cả quận Tân Bình) xử phạt nhiều lỗi vi phạm đối với Ban quản lý chợ Tân Bình: Sử dụng điện không an toàn; sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt ở nơi quy định cấm; bố trí, sắp xếp hàng hóa cản trở lối thoát nạn; không kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ phương tiện chữa cháy…
Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, đến thời điểm này, việc kiểm tra an toàn cháy nổ ở các chợ, trung tâm thương mại, các khu vui chơi, giải trí trên địa bàn TP ở thời điểm cuối năm đã xong. Tuy nhiên, tại buổi tổng kết về tình hình cháy nổ năm 2016 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng chỉ đạo, Cảnh sát PCCC TP phải tiếp tục yêu cầu các phòng nghiệp vụ, phòng cảnh sát PCCC quận, huyện phối hợp với địa phương, ngành liên quan tái kiểm thường xuyên, phạt nghiêm, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp bất chấp pháp luật, cố tình vi phạm. Ngoài các chợ, cảnh sát PCCC cần kiểm tra các hộ kinh doanh ở các khu phố chợ, bởi đây cũng là các vị trí, đối tượng có nguy cơ cháy nổ cao, vì hầu hết các cửa hàng đều được người dân trưng dụng để vừa ở vừa kinh doanh. Bằng mọi cách phải đảm bảo an toàn cho người dân, không để xảy ra cháy lan cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là ở thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2017.
TUẤN VŨ