Ngày 16-10, số thương vong trong trận động đất mạnh 7,2 độ Richter tại khu vực miền Trung Philippines đã lên tới gần 400 người, trong đó có 110 người thiệt mạng và 276 người bị thương. Các tai nạn thiên tai liên tục xảy ra gần đây một lần nữa đẩy kinh tế tại nhiều nước chịu thiên tai nói riêng và kinh tế thế giới nói chung vào hoàn cảnh khó khăn hơn.
Động đất, lũ lụt châu Á...
Trận động đất vào sáng 15-10 trên đã làm rung chuyển khu vực miền Trung Philippines, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, phá hủy hàng loạt nhà cửa và nhiều kiến trúc có tuổi đời hàng thế kỷ. Hai đảo du lịch nổi tiếng của Philippines là Bohol và Cebu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, hệ quả của cơn bão với sức gió lên tới 200km/giờ, mạnh nhất trong 14 năm qua tại nước này đã khiến một khu vực rộng lớn của tỉnh Orissa chìm trong nước lũ, một lượng lớn hệ thống đường bộ và đường sắt trong khu vực bị phá hủy. Khoảng 5.000km2 đất trồng cây nông nghiệp đã bị thiệt hại hoàn toàn với trị giá lên tới 320 triệu USD. Giới chức Ấn Độ vẫn đang thực hiện nỗ lực sơ tán lớn nhất trong lịch sử nhằm đảm bảo số người thiệt mạng do ảnh hưởng của lũ lụt ở mức thấp nhất.
Tuy nhiên, so với trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 6 vừa qua, thì thiệt hại về người và của vẫn còn thua xa. Một tháng sau trận lụt lịch sử càn quét miền Bắc Ấn Độ, giới chức nước này chính thức xác nhận gần 8.000 người được cho là đã chết do bị lũ cuốn. Lũ lụt gây sạt lở đất mang lại tổn thất nặng nề về tài sản, phá hủy nhiều nhà cửa, cuốn trôi đường sá. Chính phủ Ấn Độ đã thông báo gói cứu trợ 10 tỷ rupiah (khoảng 167 triệu USD) cho các khu vực bị thiên tai tàn phá nghiêm trọng nhất.
Tại Pakistan, tính đến ngày 16-10, tình trạng lũ lụt trong 3 tuần qua đã làm 139 người chết và gần 1 triệu người bị ảnh hưởng, 13.262 căn nhà trên toàn quốc bị phá hủy. Dự báo tình trạng mưa lớn sẽ tiếp tục ở Pakistan vào tháng tới.
Cần nhiều giải pháp bảo vệ
Các nhà khoa học cảnh báo Ấn Độ phải trong tư thế sẵn sàng cho những tác động kinh tế nghiêm trọng từ những thảm họa thiên tai lớn hơn sắp tới, phải đón nhận thêm hàng triệu người “tị nạn môi trường” trong thập kỷ tới khi hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn, mực nước biển dâng cao hơn, thế giới nóng hơn 4oC… Business Today dẫn một báo cáo của Viện Potsdam về nghiên cứu và phân tích tác động của khí hậu trình lên Ngân hàng Thế giới mới đây cho biết, đến năm 2050, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng từ 2 - 2,5oC, nước dành cho sản xuất nông nghiệp ở các lưu vực sông lớn của Ấn Độ sẽ giảm và ảnh hưởng đến nguồn lương thực nuôi sống 63 triệu người.
Trước đó, tập đoàn tái bảo hiểm lớn thứ hai thế giới Swiss Re ước tính, nền kinh tế toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2013 đã thiệt hại 56 tỷ USD do thảm họa thiên nhiên và con người gây ra. Đáng chú ý, lũ lụt được đánh giá là thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nề nhất. Các khoản đền bù do lũ lụt trong giai đoạn này lên đến 8 tỷ USD. Riêng những trận lụt lịch sử xảy ra ở Trung và Đông Âu trong tháng 6 vừa qua đã gây thiệt hại 18 tỷ USD.
Biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân gây ra lũ lụt và có thể khiến 136 thành phố ven biển lớn nhất thế giới thiệt hại tới 1.000 tỷ USD (tương đương với 750 tỷ EUR) vào năm 2050, nếu không có các biện pháp bảo vệ ngay lập tức. Để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia khuyến cáo các thành phố nên đầu tư cho việc xây dựng và cải thiện các hệ thống bảo vệ khỏi ngập lụt của mình. Cuộc đấu tranh của con người với thiên tai đã diễn ra hàng ngàn năm qua và tình hình ngày càng trở nên khó lường.
HẠNH CHI (tổng hợp)