
Tháng 7-2013, bộ phim mới Váy hồng tầng 24, 30 tập do Minh Chung đạo diễn được ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ. Đây là bộ phim ăn khách nhất trong năm 2010 ở Đài Loan (Trung Quốc) được Công ty BHD phối hợp với Đài Truyền hình Việt nam sản xuất. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Minh Chung.

Đạo diễn Minh Chung
- Phóng viên: Dưới góc độ đạo diễn, khi nhận thực hiện một kịch bản được mua từ nước ngoài, anh đã phải chọn lọc, biến đổi, sáng tạo như thế nào để có sự độc đáo phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hóa và bản sắc của người Việt Nam?
>> Đạo diễn MINH CHUNG: Cần phải hiểu rõ như thế nào là phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hóa và bản sắc của người Việt Nam… Điều này thật sự rất khó trả lời. Chúng ta thường hiểu từ cổ chí kim, dù ở một đất nước nào, dân tộc nào và một xã hội nào thì số phận con người cũng luôn luôn phức tạp, khó có thể định, đoán trước. Với nhiều tính cách, tâm lý và cách hành xử của họ cũng được thể hiện muôn màu, muôn vẻ. Quan điểm về cái xấu, cái tốt cũng khác nhau và dần được thay đổi theo thời gian. Hôm nay, chúng ta thấy quan điểm đó là đúng, nhưng rất có thể ngày mai quan điểm đó là lỗi thời hay không phù hợp. Tất cả đều được xuất phát từ quan điểm, tư duy của mỗi người. Song có những quan điểm được nhiều người hưởng ứng, nhưng chưa chắc đó là quan điểm đúng đắn, hay có những quan điểm ít người theo, nhưng chưa hẳn đó là quan điểm sai. Chính vì vậy dưới góc độ của người sáng tác với sự hiểu biết và tâm huyết của mình, tôi luôn làm theo quan điểm của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm với những gì mà mình đã làm. Và thật may mắn, tính đến thời điểm này, những bộ phim mà tôi thực hiện dù là Việt hóa hay thuần Việt, chưa có gì sai phạm về vấn đề này.
- Một thực trạng vẫn luôn xảy ra là các phim truyền hình Việt hóa của ta vẫn còn rập khuôn, hoặc na ná những chi tiết, tình huống, cách giải quyết câu chuyện khá giống phim ngoại…
Dù mỗi con người là một thế giới riêng, không ai có thể giống ai, nhưng thế giới loài người lại có một quan điểm chung về “sống, chết, đấu tranh sinh tồn, yêu, ghét, trung thành, phản bội, đau khổ, hạnh phúc…”. Theo tôi, cho dù con người ở đất nước nào, dân tộc nào, cũng có “hỉ, nộ, ái, ố”, thậm chí có những số phận giống nhau như cô Tấm và nàng Lọ Lem. Phim ảnh cũng vậy, dù là dạng phim thuần Việt hay Việt hóa, nếu chúng ta biết đan cài, quy định như thế nào về số phận, tính cách, tâm lý nhân vật phù hợp với con người, văn hóa Việt thì khi thực hiện dứt khoát phải thể hiện đúng như vậy. Chỉ khác nhau ở chỗ làm hay hoặc dở mà thôi.
- Tìm cho mình một phong cách, sử dụng hiệu quả các yếu tố ngoại luôn là bài toán… khó. Với anh đã có những kinh nghiệm, thủ pháp gì “giải” để luôn được các nhà sản xuất tin tưởng giao phim?
Với tôi, chẳng có thủ pháp gì cả, mà luôn chỉ biết làm hết mình, làm những gì mà mình cho là hay, là tốt, là đẹp. Còn chuyện dư luận phán xét “đúng, sai, hay, dở” là quyền quan niệm của mỗi người. Song trên tinh thần đó, có thể tôi sẽ thẩm định, rút kinh nghiệm để “đứa con” kế tiếp của mình ngày một hoàn hảo hơn.
- Lần này ở “Váy hồng tầng 24”, anh đã Việt hóa thế nào để bộ phim có thể hấp dẫn trước thông tin ban đầu về cuộc chiến khốc liệt giữa những cô gái thời đại với thế lực cơ hội , chỉ biết lợi nhuận?
Chọn diễn viên chính xác, có diễn xuất tốt, ngoại hình đẹp cùng những phục trang, bối cảnh đẹp để tạo hiệu quả hình ảnh đẹp, sinh động. Song cái chính là thể hiện được tinh thần của kịch bản theo cái “hồn”, cái “thần thái” riêng của người Việt Nam. Về ý nghĩa của tên phim. Váy hồng - biểu tượng của những người phụ nữ đẹp; tầng 24 - là vị trí của công ty nằm trên tầng 24, cũng là số tuổi đời của An Nhiên, vai nữ chính của phim. Bộ phim là sự phát họa về nghề truyền thông (PR) cho loại mỹ phẩm từng có thương hiệu (là một yếu tố trong kịch bản, chứ không phải giới thiệu, quảng bá cho sản phẩm) của những cô gái đại diện cho một thế hệ mới năng động, thông minh đầy nhiệt huyết và tự tin dám dấn thân vào cuộc chiến cạnh tranh của thương trường để phát triển sự nghiệp và bảo vệ tình yêu. Đây là bộ phim được tôi đầu tư rất nhiều về bối cảnh đẹp và quay kỹ nhất từ trước tới nay.
- Sở trường của anh là muốn khám phá phim thuần Việt hay phim Việt hóa, tại sao?
Với tôi, không phân biệt giữa phim thuần Việt hay phim Việt hóa mà cái tôi cần cũng như các đồng nghiệp của mình, đó là một kịch bản hay.
- Còn dự án sắp tới của anh?
Cuối tháng 7 này tôi tiếp tục bấm máy phim Ly hôn, 30 tập do TV PLUS sản xuất.
- Cảm ơn anh!
THIỆN THÀNH