GDP quý 1 ước tăng 5,03%, CPI tăng 1,92% ​

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Cùng kỳ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,92%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu thống kê quý 1-2022. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý 1 năm 2021 và 3,66% của quý 1 năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý 1 năm 2019.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp quý 1 năm 2022 có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%.

Thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15-3-2022 đạt 25,5% dự toán năm. Chi ngân sách Nhà nước đạt 15,6% dự toán năm, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-3-2022 đạt 359.900 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt gần 289.000 tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 10.700 tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 60.300 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-3-2022 đạt 278.800 tỷ đồng.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất (4,8%). CPI bình quân quý 1 năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,92%; CPI tháng 3-2022 tăng 1,91% so với tháng 12-2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát cơ bản quý 1-2022 tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Tin cùng chuyên mục