Giá dầu thế giới tăng mạnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Nga

Trong phiên giao dịch ngày 17-3 (giờ địa phương), giá dầu thế giới tăng hơn 8% khi thị trường phục hồi sau nhiều ngày thua lỗ trong bối cảnh nhà đầu tư quan ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong những tuần tới do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Giá dầu thế giới tăng 8% do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Ảnh: REUTERS
Giá dầu thế giới tăng 8% do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Ảnh: REUTERS

Chốt phiên này, trên sàn giao dịch hàng hóa New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4 tăng 7,94 USD (8,35%) lên 102,98 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 5 tăng 8,62 USD (8,79%) lên 106,64 USD/thùng, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ giữa năm 2020. 

Trong những tuần qua, giá dầu đã trải qua giai đoạn biến động mạnh nhất kể từ giữa năm 2020. Sau khi trượt xuống do hoạt động bán ra chốt lời của giới giao dịch, giá dầu đã phục hồi với kỳ vọng tình trạng thiếu hụt sẽ sớm siết chặt thị trường năng lượng.

Trong 8 phiên giao dịch gần đây, giá dầu Brent đã giao dịch ở mức cao nhất là 139 USD/thùng và thấp nhất là 98 USD/thùng - chênh lệch hơn 40 USD. Các nhà phân tích cho rằng sự chênh lệch này đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường, qua đó tạo điều kiện cho những biến động giá mạnh hơn trong những tuần tới.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính kể từ tháng 4, các thị trường có thể mất 3 triệu thùng/ngày đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ Nga. Trong một báo cáo, IEA lưu ý tình trạng sụt giảm nguồn cung sẽ lớn hơn nhiều so với mức giảm nhu cầu dự kiến 1 triệu thùng/ngày do giá nhiên liệu cao hơn.

 Giá vàng tăng trở lại

Giá vàng kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng gần 2% trong phiên 17-3, là phiên tăng giá đầu tiên trong 5 phiên, khi đồng USD xuống giá.

Cụ thể, giá vàng giao tháng 4 tăng 34 USD, tương đương 1,78%, chốt phiên ở mức 1.943,2 USD/ounce. Trong phiên này, giá bạc giao tháng 5 tăng 3,67% lên 25,616 USD/ounce. Giá bạch kim giao tháng 4 tăng 2,3% lên 1.031,3 USD/ounce.

Căng thẳng địa chính trị ở Ukraine tác động tích cực đến giá vàng. Ngoài ra, các nhà đầu tư cho rằng quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) là trở ngại đối với vàng trong ngắn hạn, khi lạm phát tại châu Âu và Mỹ tăng tiếp tục hỗ trợ nhu cầu với kim loại quý này. Trước đó, FED thông báo sẽ nâng lãi suất 0,25% lên khoảng 0,25-0,5% và cũng công bố kế hoạch về các lần tăng lãi suất sắp tới.

Tin cùng chuyên mục