Giá lương thực trên thế giới cao trở lại trong năm 2011 đã góp phần đẩy lạm phát tăng cao. Liệu trong năm 2012, thế giới có tránh những bất ổn do giá lương thực tăng cao khi mà dân số thế giới đã tăng lên 7 tỷ người?
Vì sao thiếu lương thực?
Năm nay dân số thế giới lên đến mức 7 tỷ người và theo dự kiến, thế giới sẽ có thêm 2 tỷ miệng ăn vào giữa thế kỷ này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, lượng lương thực cung cấp cho thị trường năm 2012 không tăng đủ mạnh để thỏa mãn nhu cầu của 7 tỷ người.
Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp LHQ (FAO), ngay từ lúc này con số người suy dinh dưỡng đã đạt đến mức đáng báo động - 1 tỷ người. Đã vậy, người dân ở những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc lại ăn nhiều thịt hơn và như vậy lại đòi hỏi cần nhiều thức ăn gia súc hơn.
Tuy nhiên mức cầu lương thực chỉ là một yếu tố. Sự kết hợp giữa nhiệt độ cao, hạn hán và cháy rừng suốt hè năm 2010 hủy hoại 1/3 sản lượng lúa mì của Nga khiến giá lương thực thế giới trong năm 2011 leo thang sau khi Nga ngừng xuất khẩu lúa mì. Giá gạo năm 2012 nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng tăng do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết La Nina vẫn tiếp diễn.
Một trong những lý do nữa là do Chính phủ Thái Lan – nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đã quyết định tăng gấp đôi giá lúa giúp nông dân nước này cải thiện cuộc sống. Điều này chắc chắn sẽ đẩy giá gạo thế giới tăng trong năm 2012.
Ông Chris Barrett, kinh tế gia Trường Đại học Cornell nói: “Một lý do khác là người ta đã dùng lương thực để sản xuất dầu sinh học”. Tại Mỹ, năm 2011 là năm đầu tiên sử dụng nhiều bắp để chế tạo dầu sinh học hơn là cho gia súc ăn. Trong khi đó, nhịp độ tăng gia sản xuất của các trang trại lại giảm do nước Mỹ đã đầu tư yếu kém trong nông nghiệp trong vòng 20 năm qua.
Chưa thể vội mừng trong năm 2012
Mức thu hoạch kỷ lục trong năm 2011 của Nga đang giúp hạ giá lương thực ở nhiều nơi trên thế giới. Giá cả nguyên nhiên liệu cao trong những năm gần đây là động lực thúc đẩy các công ty tham gia phát triển công nghệ nông nghiệp mới, đầu tư tích cực vào chúng, ở mức độ nào đó dẫn đến sự gia tăng sản lượng.
Song, các đợt khí hậu khắc nghiệt do biến đổi khí hậu càng trở nên thường xuyên hơn có thể gây gián đoạn nghiêm trọng trên thị trường lương thực thế giới. Theo FAO, chỉ số giá lương thực đã tăng lên mức cao kỷ lục kể từ khi FAO bắt đầu theo dõi từ năm 1990, đồng thời vượt mức của năm 2008. Trong một nền kinh tế toàn cầu ràng buộc chặt chẽ với nhau, dù biến cố chỉ xảy ra ở một quốc gia, cả thế giới có thể bị ảnh hưởng. Giá cả lương thực phi mã sẽ là rủi ro lớn với các quốc gia đang phát triển hiện dẫn đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giá lương thực cao và dao động trong năm 2012 và những năm kế tiếp là dự báo được đưa ra trong Hội nghị các nhà lãnh đạo G-20 hồi tháng 11 ở Cannes (Pháp). Tại hội nghị này, các bộ trưởng đã không kỳ vọng nhiều về khuynh hướng sụt giảm giá lương thực, đồng thời chỉ ra sự cấp thiết phải thu hẹp khoảng cách giữa tăng trưởng dân số và tập trung đầu tư, đẩy mạnh sản xuất lương thực, cải tiến công nghệ nhằm tăng năng suất thu hoạch.
Nếu không, vấn đề nhạy cảm này sẽ khiến công cuộc kiềm chế đà lạm phát tại những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Mỹ La tinh... thêm khó khăn, đồng thời nhen nhóm những bất ổn xã hội và đe dọa đến thành quả của cuộc chiến chống đói nghèo mà nhân loại đang theo đuổi. Nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực đang đe dọa hạnh phúc của hàng loạt quốc gia.
HẠNH CHI