Thị trường những tháng cuối năm

Giá nhiều mặt hàng sẽ tăng

Giá nhiều mặt hàng sẽ tăng

Để đánh giá một cách chính xác sự tăng giá, chúng tôi đã tiến hành so sánh giá bán một số mặt hàng chủ lực. Kết quả mang lại không khỏi giật mình: tháng 1-2003, giá bán các loại đường đứng ở mức: đường Mỹ Tho 5.300đ/kg, Khánh Hội 4.600đ/kg, Hiệp Hòa Bình Dương 4.500đ/kg, đến tháng 8-2005 giá bán cùng loại đường này đã tăng lên mức 9.700đ/kg, 8.500đ/kg, 8.700đ/kg. Nhóm hàng tiêu dùng gia đình có nguyên liệu từ nhôm, nhựa, inox và nhóm hàng vật liệu xây dựng như sắt thép, nhôm... giá bán cũng đã tăng thêm khoảng từ 30%-45% so với hồi đầu tháng 1-2003.

Giá nhiều mặt hàng sẽ tăng ảnh 1

Khách hàng mua hàng ở Co-opMart Đinh Tiên Hoàng.

Riêng hàng nông sản, giá bán mặc dù tăng không cao như những mặt hàng vừa kể trên, nhưng mức tăng cũng đủ làm cho những người có mức thu nhập thấp chóng mặt: so với thời điểm tháng 1-2003, gạo nàng thơm tăng thêm 2.000-2.500đ/kg, gạo tài nguyên Minh Hải tăng thêm 500-1.000đ/kg, tài nguyên Chợ Đào tăng thêm 1.000-1.500đ/kg; đậu xanh hột và xanh bóc vỏ tách hạt tăng thêm 3.000-4.000đ/kg...

Ở nhóm hàng thực phẩm tươi sống, trừ thịt heo giá bán sỉ hiện vẫn đứng ở mức 25.000đ/kg, các mặt hàng khác như thuỷ hải sản, rau tươi các loại giá bán đều nhích lên khoảng từ 1.000-3.000đ/kg so với tháng 1-2003.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, giá bán nhiều mặt hàng đã tăng thấp nhất là từ 15%-20%, số còn lại hầu hết đã tăng thêm từ 30%-50%, thậm chí cá biệt có một số mặt hàng như đường đã tăng gần gấp đôi!

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc chuỗi siêu thị Hà Nội cho biết: “Tháng 7-2005, đã có gần 100 mặt hàng trong siêu thị tăng giá bán thêm từ 5%-10%. Nhưng từ đầu tháng 8-2005 đến nay, hầu như sáng nào tôi cũng nhận giấy báo tăng giá của khoảng vài chục mặt hàng. Tính đến thời điểm hiện nay, nếu căn cứ vào bản báo giá của các nhà cung cấp thì siêu thị phải điều chỉnh đến gần 500 mặt hàng, với mức giá tăng thêm từ 5%-15%. Tuy nhiên, do nhiều mặt hàng nằm trong nhóm hàng tiêu dùng siêu thị còn dự trữ nên giá bán đến thời điểm này vẫn còn tương đối ổn định. Tới đầu tháng 9-2005, tới đây, khi hàng tồn kho hết thì bắt buộc siêu thị sẽ đồng loại tăng giá nhiều mặt hàng”.

Mặc dù vậy, theo khảo sát của PV báo SGGP, ở khu vực siêu thị giá bán nhiều loại hàng tiêu dùng có vẻ tăng giá chậm hơn so với các hình thức bán lẻ khác trên thị trường. Nguyên nhân chính, ngay từ khi xăng dầu rục rịch tăng gía, nhiều siêu thị đã áp dụng biện pháp mua hàng dự trữ nhằm bình ổn giá bán. Đây cũng là cách để thu hút thêm nhiều khách hàng đến với siêu thị.

Ở các chợ bán lẻ, không cần chờ nhà cung cấp điều chỉnh giá bán, nhiều tiểu thương áp dụng ngay biện pháp “thuyền lên, nước lên”?. Có lẽ, đây chính là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao giá hàng hóa tăng nhưng sức mua tại các siêu thị đều tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2004, trong khi đó sức mua tại các chợ liên tục giảm sút?. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2005, lượng khách đến mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.op.Mart đạt trên 9,5 triệu lượt, tăng 28,9%. Doanh thu đạt trên 60 tỷ đồng, tăng 26,7%, đạt 50,25% so với kế hoạch 2005. Tại 2 siêu thị Hà Nội, doanh thu cũng đã tăng từ 25%-30% so với cùng kỳ năm 2004.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục