(SGGP).- Ngày 2-5, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mặc dù thời tiết ở miền Bắc mới bắt đầu vào mùa nắng nóng nhưng số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị đã có chiều hướng gia tăng.
Trong hơn một tuần qua, trung bình mỗi ngày, trung tâm phải tiếp nhận cấp cứu điều trị trên 10 bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, cao gấp 4-5 so với giai đoạn thời tiết lạnh. Qua điều tra cho thấy, hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc là do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi sinh vật do thời tiết nóng bức gây ra. Cùng với đó cũng ghi nhận một số trường hợp bị ngộ độc do hóa chất tồn dư trong thực phẩm nhưng triệu chứng không điển hình.
Trong khi đó, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 4 tháng qua của năm 2016, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm trên 1.386 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 4-2016 đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 375 người bị ngộ độc. Trước nguy cơ trên, Cục An toàn thực phẩm đã chỉ rõ nguyên nhân chính là do thời tiết nóng ẩm của mùa hè, tình trạng thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ, cùng với đó điều kiện bảo quản thực phẩm không an an toàn, nguyên liệu, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Để ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc khuyến cáo, người dân nên sử dụng thực phẩm được mua ở những nơi có nguồn gốc rõ ràng về nhà cung cấp cấp, nhà phân phối, có nhãn mác và địa chỉ sản xuất, kinh doanh cụ thể. Khi chế biến ở nhà, cần thực hiện nguyên tắc nấu chín thực phẩm, sử dụng sớm sau khi nấu, hạn chế thức ăn thừa. Thực phẩm cần được bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh, không lạm dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm quá lâu. Bên cạnh đó phải tách biệt giữa thức ăn chín và sống. Tuyệt đối không sử dụng những thực phẩm đã ôi thiu, mốc, hỏng và quá hạn sử dụng để chế biến thực phẩm.
MINH KHANG