Trong mức tăng 0,4% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2020 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó nhóm giao thông tăng mạnh nhất (3,91%) do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 27-6-2020 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 9,02% (tác động làm CPI chung tăng 0,37%). Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,47%, chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng lần lượt là 2% và 0,25% khi nhu cầu sử dụng điện, nước tăng mạnh vào thời điểm thời tiết nắng nóng, cộng hưởng với giá gas tăng 1,13%, giá dầu hỏa tăng 8,2%...
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18% (trong đó: lương thực giảm 0,2%; thực phẩm giảm 0,3%). Đáng lưu ý là giá thịt heo đã giảm 2,48%; giá thủy sản tươi sống giảm 0,45%; giá thủy sản chế biến giảm 0,21%; giá trứng giảm 0,75%; giá các loại hạt và đậu giảm 0,18%; giá quả tươi, chế biến giảm 0,33%.
Như vậy, CPI bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 4,07% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 7-2020 giảm 0,19% so với tháng 12-2019 và tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 7-2020 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.