
Nhiều người nhầm tưởng, thế giới càng phẳng, chức năng gia đình sẽ càng mỏng. Mối quan hệ huyết thống ông bà - cha mẹ - con cháu đang bị xô lệch, lỏng lẻo. Rất may, đâu đó trong cuộc sống tất bật bộn bề vẫn còn những tổ ấm thật sự. Đó là cảm nhận của hầu hết những ai tham dự chương trình giao lưu Điểm tựa gia đình lần 3 do LĐLĐ TPHCM tổ chức sáng 27-6.
Em là cặp mắt, đôi chân của anh
Sáng nay lên sân khấu giao lưu, mấy hôm trước đón nhà đài đến nhà quay hình, hai vợ chồng anh Trần Thêm Giàu và chị Lê Thị Thảo cũng chỉ mặc bộ đồng phục công nhân màu xanh đã sờn. Cha mẹ đặt cho cái tên là “Thêm Giàu” mà sự giàu có, với vợ chồng anh, cho đến tận lúc này, vẫn quá xa xôi. Lên TPHCM học nghề, năm 1990, anh Giàu xin vào làm việc tại Công ty cổ phần Thép Thủ Đức. Tai nạn bất ngờ xảy ra khi anh Trần Thêm Giàu đang làm việc nên phải nghỉ việc 6 tháng để chữa trị. Ngày ra viện, bác sĩ điều trị cho hay anh không còn khả năng làm việc nặng. Anh đang hoang mang, lo lắng cho quãng đường đời còn quá dài phía trước thì chị Thảo cầm tay anh, nói nhẹ: “Không sao đâu, em sẽ đỡ đần anh”.
Đang là cô nuôi dạy trẻ, chị Thảo xin nghỉ, chuyển sang làm nhân viên tạp vụ cho một công ty để có thời gian chăm con, chăm chồng. Vừa chăm sóc chồng đau bệnh, chị vừa tính cách nuôi con. Làm ban ngày đã mệt nhừ người, ban đêm, chị còn nhận thêm việc, ai thuê gì cũng làm, miễn là có tiền nuôi con. Chị nói chân thành: “Chồng em con mắt hư rồi, chân cũng yếu, đi nhanh một chút là té ngã. Em phải cố hết sức để hai đứa nhỏ được đi học, không bị gián đoạn ngày nào. Cực cỡ nào em cũng chịu được”. Mắt anh không nhìn rõ, chị là cặp mắt cho anh. Chân anh đi không vững, chị là đôi chân cho anh. Cứ như thế, người phụ nữ nghèo nhỏ bé đã lèo lái gia đình qua những lúc gian khó nhất. Bây giờ, sức khỏe của anh Giàu đã khá hơn. Anh quyết tâm đi xin việc và cuối cùng đã được nhận vào làm bảo vệ cửa hàng ăn uống Family Mart. Động lực để hai vợ chồng giữ lửa cho tổ ấm, theo anh Giàu là rất giản đơn: “Tại hai đứa thương nhau từ hồi còn đi học, thương hoài, thương mãi tới bây giờ…”.

Chị Nguyễn Thị Cúc (BHXH TPHCM) cùng mẹ và con gái tại buổi giao lưu. Ảnh: MAI HƯƠNG
Mẹ là điểm tựa của con
“Người mẹ làm công nhân nuôi 4 con học đại học” - thành tích của chị Lê Thị Lan, công nhân Công ty Freetrend, KCX Linh Trung TPHCM, chỉ gói gọn trong một câu như thế. Nhưng để làm được điều đó là cả một quá trình bền bỉ.
Chị Lan quê ở Thanh Hóa. Hai vợ chồng làm ruộng, quanh năm đầu tắt mặt tối. Gặp mùa thất bát, cả nhà 6 miệng ăn phải đi vay mượn mới đủ ăn. Đã vậy, chị Lan còn bị đau khớp, phải nằm viện dài ngày. Khi gánh nặng gia đình sắp oằn vai chồng thì chị Lan quyết định vào Nam, vừa tìm thuốc trị bệnh, vừa tìm phương cách vực dậy gia đình. Thời gian đầu, chị lấy thuốc ở Trảng Bàng, Tây Ninh về uống. Khi bệnh tình thuyên giảm một chút, chị theo mấy người bạn cùng quê xin làm công nhân. Hàng tháng, ngoài đồng lương ít ỏi, chị còn cố tìm việc làm thêm sau giờ tan ca, chắt chiu dành dụm tiền gửi về lo cho gia đình. Có khi 5 năm liền, chị không dám bỏ tiền mua vé xe về thăm quê. Không phụ lòng mẹ, 4 người con của chị đều đậu vào đại học: Con gái đầu đang là công an công tác tại Hà Nội, con gái kế tiếp đang học Đại học Y Hà Nội, con trai là sinh viên ngành công an ở Hà Nội và con gái út hiện là sinh viên năm 3 Đại học Y Thái Bình.
Chị tâm sự: “Động lực lớn nhất của tôi trong những ngày xa quê là các con đều rất ngoan. Đứa lớn khuyên đứa nhỏ: Mẹ khổ nhiều rồi, tụi mình phải ráng học mà chữa lành bệnh cho mẹ”.
Củng cố “sức khỏe” gia đình
Chia sẻ tại chương trình, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Việt Cường nói: “Một triết gia phương Tây từng đề cập: Dù tồi tàn đến đâu nhưng không nơi nào trên thế giới có thể sánh được với mái ấm gia đình. Còn dân ta thì nôm na: Không đâu bằng nhà mình. Trong khó khăn, điều đáng trân trọng là nhiều gia đình công nhân lao động vẫn vươn lên, nuôi dạy con cái học hành chăm ngoan. Tôi mong muốn mỗi công nhân viên chức - lao động luôn ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn hạnh phúc. Mỗi thành viên trong gia đình không chỉ yêu thương nhau mà còn động viên nhau cùng tiến bộ. Kinh tế càng khó khăn, xã hội càng phức tạp thì “sức khỏe” của gia đình càng phải được củng cố. Có như vậy, mỗi cá thể mới có đủ sức đề kháng để vượt qua. Một gia đình hạnh phúc sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng hạnh phúc. Nhiều cộng đồng hạnh phúc sẽ tạo nên một quốc gia, một thế giới hạnh phúc”.
MAI HƯƠNG