Không phải ngẫu nhiên mà cuộc trò chuyện với báo giới cuối tuần qua của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn đều đề cập đến vấn đề nợ công.
Như một hệ quả tất yếu, tín nhiệm tín dụng của một quốc gia lâm vào cảnh nợ nần chồng chất sẽ “rớt hạng” thảm hại; ngay cả khi đó là nền kinh tế số 1 thế giới.
Ngay cả khi chưa vỡ nợ, đơn giản chỉ là chưa thể trả nợ đúng hạn, thương hiệu quốc gia cũng bị tổn thương, tín nhiệm tín dụng quốc gia tụt hạng cũng để lại biết bao hệ lụy to lớn. Việt Nam cũng đã từng bị Tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s thẳng tay hạ bậc tín nhiệm nợ quốc gia. “Thương hiệu quốc gia” phần nào bị tổn thương và những hậu quả kéo theo chưa thể cân đo đong đếm hết.
Có lẽ vì vậy mà khi được hỏi về những kỳ vọng của họ đối với Chính phủ mới, nhiều doanh nhân là đại biểu Quốc hội có chung ý kiến cho rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ mới là bằng mọi cách củng cố được thương hiệu quốc gia, cải thiện vị trí xếp hạng tín nhiệm tín dụng. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể phát hành được trái phiếu (kể cả trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp); thu hút được dòng vốn ngoại một cách hiệu quả với chi phí thấp hơn rất nhiều; giải tỏa cơn khát vốn của các doanh nghiệp; củng cố thanh khoản ngoại tệ... Ngoài những lợi ích rõ rệt về kinh tế, điều này còn củng cố lòng tin cho nhà đầu tư nước ngoài về sự ổn định, đáng tin cậy của môi trường đầu tư.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, có đại biểu Quốc hội - doanh nhân gợi ý, chúng ta còn rất nhiều tài nguyên chưa được vốn hóa (thông qua đấu giá, đấu thầu đất đai, khoáng sản...). Xét về khía cạnh kỹ thuật, vốn hóa được những tài nguyên này, sổ sách kế toán của Việt Nam sẽ khác hẳn - nói nôm na là sẽ “đẹp” lên rất nhiều. Và đó là tiềm lực thực sự của chúng ta, chúng ta “giàu” chứ không hề nghèo. Điều này chắc chắn sẽ cải thiện được cách đánh giá của cộng đồng tài chính quốc tế về tín nhiệm tín dụng của Chính phủ Việt Nam và cả các doanh nghiệp Việt Nam.
Một doanh nhân thành đạt tâm sự: “Tóm lại, một mặt phải tìm mọi cách nâng cao tín nhiệm tín dụng; mặt khác, phải làm thế nào để tối đa hóa năng lực quốc gia. Tôi biết bộ máy quản lý của chúng ta có nhiều cán bộ giỏi và sắc sảo, họ đã nhìn ra vấn đề. Nhưng công việc quản lý hành chính của họ quá nặng, từ ngày này sang tháng khác, làm cho họ không còn thời gian để nghĩ ra “quốc kế”... Mong tới đây tình trạng này sẽ có chuyển biến”.
ANH THƯ