Ngày 15-12, giá vàng thế giới ở mức 1.564 USD/ounce vào đầu phiên và chốt ở mức 1.588 USD/ounce vào cuối phiên, giảm hơn 100 USD/ounce so với đầu tuần. Theo đó, giá vàng trong nước cùng ngày cũng lùi về sát mốc 43 triệu đồng/lượng. Trước hiện tượng lao dốc không phanh của giá vàng, khác với trạng thái bi quan của các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư vàng trong nước vẫn tỏ ra tin tưởng vào sự “đi lên” của loại quý kim này.
Ngày 15-12, giá vàng thế giới tiếp tục có phiên điều chỉnh giảm mạnh với biên độ giao dịch rất rộng (1.561 - 1.641 USD/ounce). Đây đã là phiên thứ 3 liên tiếp giá vàng thế giới giảm sâu.
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, vàng đang hứng chịu sức ép giảm giá từ nhiều phía, nhất là việc đồng USD có dấu hiệu mạnh lên từ nhu cầu thu gom tiền mặt của giới đầu tư. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 9 đến nay lực mua vàng của các quỹ đầu tư và ngân hàng trung ương các nước đang có chiều hướng giảm khiến loại quý kim này mất dần vị thế “hầm trú ẩn”.
Có thể nói, cùng với các kênh đầu tư khác vàng đang đối diện hiện tượng thoái vốn hàng loạt. Hãng tin Reuters cũng cho rằng thời điểm cuối năm, bao giờ các quỹ đầu tư lớn cũng bán vàng ra để đóng sổ sách.
Theo sát đà rơi của giá vàng thế giới, trong phiên giao dịch cùng ngày giá vàng trong nước cũng biến động mạnh, trong đó xu hướng chủ yếu vẫn là giảm điểm. Tại TPHCM, chiều cùng ngày, giá vàng SJC niêm yết tại Công ty SJC ở mức 43 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,4 triệu đồng/lượng (bán ra) - giảm 750.000 đồng/lượng so với phiên trước.
Mặc cho giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khá nhiều, giao dịch vàng tại TPHCM trong ngày vẫn khá sôi động. Trong đó lực mua vẫn chiếm áp đảo so với lực bán. Để bảo toàn rủi ro và kịp trở tay khi giá vàng quay đầu tăng trở lại, hầu hết các cửa hàng kim hoàn trong ngày hôm qua đã kéo giãn biên độ giá mua và giá bán khá xa (300.000 - 400.000 đồng/lượng).
Tính đến cuối ngày, tổng số vàng SJC bán ra đạt trên 12.000 lượng, trong khi đó số vàng mà các nhà đầu tư bán lại cho hệ thống này chỉ vào khoảng 300 lượng.
L. M. THI