
1- Nam Mỹ thật sự là mảnh đất màu mỡ của bóng đá nghệ thuật và Copa America thật sự là câu chuyện của những quả sút phạt trực tiếp – những cú sút vẽ lên không trung một quỹ đạo thần kỳ như được một bàn tay vô hình uốn cong. Hôm 18-7, tiếp tục có hai cú sút như thế xuất hiện và đều làm cho 25.000 khán giả Peru trên sân Elias Aguirre (Chiclayo)…tan nát cõi lòng.

Cú sút thứ nhất của tiền đạo Carlos Tevez ở phút thứ 61 giúp Argentina mở tỷ số 1-0, bóng chui vào góc trái khung thành. Cú sút phạt thứ hai của Nolberto Solano đập trúng xà ngang ở phút thứ 64, bỏ lỡ dịp gỡ hòa. Thế là Argentina vào bán kết và sẽ gặp Colombia ở đó.
“Tôi đã sút như vẫn luôn luôn sút và may mắn là bóng đã vào lưới”, Tevez nói. Sự thần kỳ còn nằm ở chỗ lúc bấy giờ anh mới vào sân được 3 phút. Và đây lại là một câu chuyện khác nữa. Carlos Tevez, 20 tuổi, đã trở thành một cầu thủ nổi bật của giải Argentina suốt 18 tháng gần đây, đã dẫn dắt Boca Juniors đến chức vô địch Copa Libertadores và Cúp Liên lục địa. Sự tỏa sáng của Tevez khiến nhiều người phải tự hỏi vì sao HLV Bielsa đợi đến tận tháng 6-2004 mới trao chiếc áo tuyển thủ cho “cầu thủ xuất sắc nhất Nam Mỹ 2003” này.
Đến ngày 18-7, Tevez chính thức xác lập dấu ấn của mình sau khi vào thay tiền vệ Andres D’Alessandro. Ở vòng đấu bảng, Argentina từng thua Mexico cũng vì một quả sút phạt trực tiếp đẹp tuyệt nhưng bây giờ họ thắng đội chủ nhà Peru bằng cú sút phạt còn đẹp hơn của Tevez. Đó cũng là bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển Argentina. Anh giơ cao hai cánh tay, nở nụ cười…hết cỡ để đón đồng đội chạy đến chúc mừng. Còn Bielsa, sau trận đấu ông cho biết là đã hơi lưỡng lự trước khi đưa ra quyết định thay người: “Tôi đã có những mối hoài nghi vì đội bóng đang chơi trong giai đoạn hay nhất của trận đấu. Thay người thì không biết có lợi lộc gì không. Nhưng rốt cuộc tôi vẫn tung Tevez vào trận đấu và anh ta ghi bàn”.
Bielsa nói thêm: “Phía Peru truy cản quyết liệt hơn bình thường và rất khó chơi với họ. Nhưng cuối cùng, tỷ số 1-0 là công bằng và chúng tôi xứng đáng giành chiến thắng”.

2- Trong cuộc họp báo sau trận đấu, HLV Autuori của Peru tiếp tục tẩy chay báo chí, chấp nhận nguy cơ bị phạt như đã từng phải đóng phạt 2.000 USD. Thay vì ngồi cạnh Bielsa, Autuori cử đến HLV phó Victor Zegarra và vị này nhận định: “Đây là trận đấu mà bên nào cũng có thể thắng. Chúng tôi đã gây bất ngờ cho Argentina – những đối thủ rất kinh nghiệm và rất mạnh. Chúng tôi đã đóng kín các cánh cửa. Chúng tôi đã thi đấu như Argentina. Chúng tôi chỉ không ghi được bàn thắng cần thiết”.
Đó chỉ là một sự bào chữa. Sự thật là Peru chỉ có thể ngang ngửa với Argentina trong 8 phút chót, sau khi đối phương chỉ còn 10 người do trung vệ đội trưởng Roberto Ayala nhận chiếc thẻ vàng thứ hai sau pha phạm lỗi với Jorge Soto. Sự vắng mặt của tiền vệ đội trưởng Claudio Pizarro (bị nứt hộp sọ), tiền đạo Farfan (bị treo giò) và Maestri (chấn thương) khiến một mình Nolberto Solano không đủ sức xốc cả đội hình để đương đầu với những đối thủ mạnh trước mặt.
Từ lúc vào trận, Argentina đã nắm ưu thế kiểm soát bóng và gây nhiều áp lực. Đội trưởng Ayala có cơ hội mở tỷ số ở phút thứ 25 từ một quả phạt góc, đáng tiếc là cú đánh đầu đi chệch khung thành. Sau khi Peru có hai tình huống nguy hiểm của Palacios và Mendoza, Argentina tiếp tục vạch ra những cơ hội lớn: Phút thứ 42, cú sút xa của Javier Zanetti đập vào lưng hậu vệ Walter Vilchez và suýt chút nữa bay vào lưới. Phút thứ 43, quả đánh đầu của Figueroa đi chệch cột dọc. Phút thứ 57, lại Figueroa đánh đầu dội cột dọc khi đang bị 3 hậu vệ Peru bao vây gần đó. Những cơ hội sáng giá nhất đều thuộc về Argentina, dù họ không hề chơi táo bạo.
Ngược lại, Peru chỉ có thể than thân trách phận mà thôi. Trách cho vận đen đã làm cú sút phạt cũng rất đẹp của Solano không thành bàn. Trách cho sự yếu kém cố hữu trong khâu dứt điểm của các tiền đạo: Kẻ phá bĩnh Mendoza – một anh chàng cao, nhanh, khỏe, kỹ thuật tốt – đã đá đến trận thứ 11 cho đội tuyển mà vẫn chưa ghi được bàn thắng nào. Nhưng đáng trách nhất là một cơ hội ở phút thứ 67: Solano đã chuyền một đường bóng ăn chắc cho Palacios nhưng cầu thủ này đã sửa bóng ra ngoài ở một vị trí…không thể ra ngoài được!
3- Đó chính là vết thương cuối cùng và đau đớn nhất của Peru trong cả chiến dịch Copa America 2004. Họ sẽ không thể cất cánh trong chiến dịch vòng loại World Cup 2006 bằng thứ bóng đá thơ ngây như ở vòng đấu bảng Copa America, nơi các cầu thủ Peru vô tư bỏ lỡ tất cả cơ hội ghi bàn mở tỷ số, để Bolivia và Colombia dẫn trước 2-0 rồi mới vội vã gỡ lại 2-2. Đáng lẽ họ đã gặp Costa Rica ở tứ kết, dễ thở hơn nhiều, nếu thắng một trong hai trận ấy. Họ sẽ phải gặm nhấm nỗi đắng cay và chấp nhận một thực tế: Trình độ của họ chưa thể so sánh với Argentina. Đây là thất bại thứ 11 trong 16 lần đối đầu với Argentina ở giải vô địch Nam Mỹ. Đây cũng là lần thứ ba liên tiếp họ bị loại ở tứ kết.
HƯNG NGUYÊN