Giấc mơ xa vời

Đà tăng lãi suất và chiến lược chung của các ngân hàng trung ương nhằm đối phó với cơn bão lạm phát đang biến giấc mơ có nhà riêng của nhiều người Mỹ Latinh trở nên xa vời, hoặc là mục tiêu xa xỉ chỉ dành cho những người có thu nhập đủ để trang trải các khoản vay lãi suất cao.
Sáng kiến Mi Casa Ya hỗ trợ người dân Colombia mua nhà
Sáng kiến Mi Casa Ya hỗ trợ người dân Colombia mua nhà

Ở nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh là Brazil, lãi suất tăng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, khiến tầng lớp trung lưu gặp khó khi có nguyện vọng mua nhà. Claudio de Moraes, giáo sư kinh tế vĩ mô và tài chính tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro, nhận định, dù người Brazil đang thiếu nhà ở nhưng thị trường bất động sản lại quá tập trung vào tầng lớp thượng lưu.

“Ở Brazil, tài chính bất động sản luôn ở mức rất thấp, chỉ khoảng 10% GDP do giá rất cao. Do đó, chỉ một bộ phận người dân có thu nhập cao hơn nhiều so với mức trung bình mới có thể tiếp cận được”, chuyên gia Moraes giải thích. Theo Viện Địa lý và thống kê Brazil, vào quý 1-2022, thu nhập trung bình của người Brazil là khoảng 500 USD/tháng.

Mexico cũng không phải ngoại lệ. Mới đây, Ngân hàng Trung ương nước này đã tăng lãi suất kỷ lục, từ 7% lên 7,75%, trong bối cảnh lạm phát đã tăng lên 7,88% trong nửa đầu tháng 6-2022 - mức cao nhất trong 21 năm trở lại đây. Giám đốc đơn vị phân tích kinh tế của Tập đoàn tài chính Banco Base Gabriela Siller cho biết, lãi suất của nền kinh tế diễn biến theo lãi suất tham chiếu do Ngân hàng Trung ương quy định. Do đó, lãi suất tham chiếu tăng sẽ kéo theo lãi suất tín dụng tăng. Bà Siller cho rằng, người mua nhà nên đi vay càng sớm càng tốt để tránh lãi suất tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Theo Hệ thống thông tin và chỉ số nhà ở quốc gia, đến quý 1-2022, các khoản vay thế chấp đã giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái ở nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh.

Tại Argentina, đồng nội tệ mất giá trong bối cảnh lạm phát phi mã đã đẩy chi phí tiếp cận các khoản vay thế chấp lên cao. Ngân hàng Trung ương Argentina đã tăng lãi suất cơ bản 6 lần trong năm nay, từ 38% lên 52%. Điều này đã ảnh hưởng đến lãi suất áp dụng tiền gửi và cho vay, cũng như trong trường hợp vay thế chấp. Trong tháng 5-2022, lãi suất thực tế hàng năm của các khoản vay thế chấp đạt 40,42%, cao hơn so với mức 34,12% ghi nhận vào cuối năm ngoái. Lạm phát ở Argentina, vốn đã chạm mức 50,9% vào năm 2021, trở thành thách thức đối với những người đi vay. Điều này lý giải vì sao các khoản vay thế chấp đã giảm mạnh và chỉ chiếm 0,4% GDP, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương. Trong 5 tháng đầu năm, khối lượng cho vay cầm cố đã giảm 12,6%.

Ở Chile, tiếp cận nhà ở trở thành vấn đề “nóng” đến mức được xem xét trong bản dự thảo hiến pháp vừa hoàn thành, dự kiến sẽ trưng cầu dân ý vào ngày 4-9 tới. Bộ Nhà ở Chile ước tính quốc gia này thiếu khoảng 650.000 nhà ở và có hơn 81.000 gia đình sống ở nông thôn, nơi thường xuyên không có điện, nước sinh hoạt. Báo cáo tháng 3-2022 của Phòng Xây dựng Chile cảnh báo, chi phí mua nhà đã chạm đỉnh trong thập niên qua, cộng thêm thời hạn của các khoản vay mua nhà giảm mạnh, từ 30 năm xuống còn 20 năm. Từ năm 2004 đến nay, giá nhà đất tại Chile đã tăng 128,6%, trong khi giá căn hộ tăng 126%...

Trước tình hình khó khăn của thị trường, Chính phủ Colombia đã đưa ra chương trình trợ cấp nhà ở xã hội. Ngoài ra, chính phủ cũng có chương trình trợ cấp hàng tháng, giúp người dân thanh toán lãi suất đi vay khi mua nhà mới. Một phần của chương trình trợ cấp nhà ở xã hội là sáng kiến Mi Casa Ya, áp dụng cho những người mua nhà có giá trị thị trường dưới 150 triệu peso (khoảng 37.000 USD). Các khoản trợ cấp tùy thuộc vào thu nhập, thấp nhất là 7.500 USD và cao nhất là 12.400 USD. Theo Phòng Xây dựng Colombia, thách thức lớn nhất về nhà ở đối với chính phủ tương lai của Tổng thống đắc cử Gustavo Petro là khắc phục tình trạng thiếu nhà ở và cung cấp nhà cho khoảng 1,6 triệu hộ gia đình mới trong giai đoạn 2022-2026.

Tin cùng chuyên mục